Cần xem xét thấu đáo!

14:24 - Thứ Ba, 21/05/2019 Lượt xem: 11067 In bài viết

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 do Bộ Nội vụ soạn thảo, đang tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, trong đó có nội dung đề xuất giảm chức danh phó trưởng ban chuyên trách HĐND cấp tỉnh, thành phố (còn một phó trưởng ban chuyên trách). Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều ý kiến khác nhau vì thực tiễn hoạt động của các ban HĐND cấp tỉnh, thành phố chủ yếu vẫn do đại biểu chuyên trách đảm nhận.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, các ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Các thành viên ban của HĐND chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ban trước HĐND...


Quy định ngắn gọn như vậy nhưng khối lượng công việc của mỗi ban thuộc HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là rất lớn. Đơn cử như tại HĐND thành phố Hà Nội, theo quy định đại biểu kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, nhưng rất khó thực hiện quy định này. Nhiệm vụ của các ban chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách đảm nhận và chịu trách nhiệm là chính.

Vì vậy, nếu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần cân nhắc thấu đáo và nên giữ nguyên chức danh phó trưởng các ban HĐND cấp tỉnh, thành phố như hiện nay. Bởi lĩnh vực của mỗi ban theo dõi rộng, thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, địa phương. Thử liên tưởng, với một cuộc giám sát chuyên đề, một buổi thẩm tra hay kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ có một đại biểu chuyên trách nghiên cứu sâu và thực hiện vai trò “chủ công”; trong khi đại biểu kiêm nhiệm đa số là cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước, sự phản biện hạn chế, thì hiệu quả sẽ thế nào?

 
Bảo Vy 
P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top