ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận một số nội dung Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

16:06 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 12368 In bài viết
ĐBP - Sáng 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về mội số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 

Đại biểu Quàng Thị Vân, Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận tại hội trường.

Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, đến nay đã chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung theo ý kiến của đại biểu Quốc hội. Dự thảo có 7 chương và 36 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phát biểu tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Quàng Thị Vân, Bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “cấm sử dụng men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng để sản xuất, pha chế rượu, bia” và kiến nghị khi luật này có hiệu lực thi hành thì cơ chức năng có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, nguyên liệu sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công để cấp chứng nhận hoặc cấm sản xuất nếu không đủ điều kiện. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu, bia cho mọi đối tượng từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng ngày hôm sau vào dự thảo luật.

Để nhằm động viên, khuyến khích việc chấp hành tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu cho rằng, nên bổ sung đối tượng khen thưởng là hộ gia đình, thôn bản, tổ dân phố tích cực trong công tác phòng chống tác hại của rượu, bia, nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa; nếu như hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố mà có người nát rượu, nghiện rượu thì sẽ không được công nhận hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố đó là gia đình văn hóa, thôn, phố văn hóa.

Về biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, theo đại biểu thì việc quy định “các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản tự kê khai gửi UBND cấp xã về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng, cam kết không bán rượu ra thị trường…” là chưa phù hợp, vì nếu rượu được sản xuất thủ công nhưng đã được kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm thì nên quy định được bán ra thị trường, thực tế nhiều nơi sản xuất rượu thủ công rất ngon và được coi là đặc sản của vùng miền đó.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, nêu rõ: Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, giải trình; đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Hồ Nam
Bình luận
Back To Top