HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại địa bàn huyện Mường Ảng, Nậm Pồ

19:51 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 13092 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2014 – 2018”, ngày 23/5, đoàn giám sát HĐND tỉnh thực hiện giám sát tại 2 huyện: Mường Ảng và Nậm Pồ.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng tổ giám sát số 2 thăm mô hình trồng chanh leo trên địa bàn xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng). Ảnh: Văn Tâm

Báo cáo với tổ giám sát số 2 do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng, lãnh đạo huyện Mường Ảng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật: Hết năm 2018, huyện có 1/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 8,6 tiêu chí/xã; hiện nay tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 4.677 người; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm 47,2% tổng số cán bộ của huyện; 30.430 lượt trẻ em 5 tuổi được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 16.153 lượt học sinh bán trú... Huyện Mường Ảng kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, có những chính sách đặc thù đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; nghiên cứu đề xuất tích hợp các chính sách hỗ trợ thành chính sách tổng thể cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nên giao nguồn vốn vào đầu năm kế hoạch để kịp thời lập thủ tục đầu tư…

Thành viên đoàn giám sát nêu lên một số hạn chế của huyện trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, như: Việc giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững; tình trạng lao động thuộc các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo, thiếu chuyên môn còn phổ biến; tập quán canh tác, sản xuất vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước

Đồng chí Giàng Thị Hoa đề nghị huyện Mường Ảng làm rõ một số nội dung về: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ của học sinh dân tộc nội trú; tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; việc gắn biển tên tổ dân phố, thôn, bản văn hóa. Chính sách đối với dân tộc thiểu số trong 4 năm qua hiệu quả, phù hợp hay chưa? Quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc, chồng chéo? Cần đánh giá cụ thể hiệu quả vốn vay tín dụng ngân hàng chính sách; việc hỗ trợ thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách dân tộc trên địa bàn huyện; khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đối với lĩnh vực giáo dục như chế độ cấp gạo cho học sinh, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…

 

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tổ trưởng tổ giám sát số 1 phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nậm Pồ. Ảnh: Phạm Trung 

Giám sát tại huyện Nậm Pồ, đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ giám sát số 1, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn khá đồng bộ, tương đối hiệu quả, tạo được những chuyển biến rõ nét trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được tăng cường; văn hóa, giáo dục và y tế có bước phát triển mạnh; diện mạo nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên; quốc phòng – an ninh được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; nhân dân các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xây dựng quê hương, thôn bản. Đến nay, huyện có xã Chà Nưa đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ bình quân toàn huyện đạt 7,13 tiêu chí/xã. Kết quả thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Đồng chí Lê Trọng Khôi cũng yêu cầu UBND huyện Nậm Pồ giải trình rõ tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ trực tiếp cây, con giống từ nguôn vốn sự nghiệp các chương trình: 30a, 135/CP, xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ lao động đi làm thuê ở Trung Quốc; hiệu quả các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc giao các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho UBND xã làm chủ đầu tư có khó khăn, vướng mắc gì? Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh có hiệu quả, chất lượng? Công tác quản lý sau đầu tư, sau hỗ trợ được huyện thực hiện như thế nào? Giải pháp triển khai thực hiện các chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo.

Văn Tâm – Phạm Trung
Bình luận
Back To Top