Quốc hội thảo luận tổ về Bộ luật lao động (sửa đổi)

20:09 - Thứ Tư, 29/05/2019 Lượt xem: 10427 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) có bố cục gồm 17 Chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định. Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo đưa ra 02 phương án trình Quốc hội xem xét. Trong đó, phương án 01 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 01, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 02 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021). Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi và quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với các trường hợp cụ thể. Ngoài ra, dự thảo Bộ luật lao động còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ bù, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm là ngày 27/7 ngày thương binh liệt sỹ, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng; quyền của người lao động trong việc chấm dứt hợp đồng lao động; bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng,... Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình và dự thảo Luật và thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật này là rất cần thiết. Một số ý kiến đề nghị nên đổi tên Bộ Luật lao động thành Luật lao động; về tăng độ tuổi nghỉ hưu đa số các ý kiến đồng tình với phương án 1; nhiều ý kiến không đồng tình với việc về bổ sung ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ hàng năm; giữ như quy định hiện hành về ngày nghỉ lễ tết âm lịch hàng năm…

Tham gia ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; các ý kiến phát biểu đều đồng tình với việc gia nhập Công ước 98 và để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, vấn đề này đang là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Hồ Nam
Bình luận
Back To Top