HÐND tỉnh tập trung giám sát những vấn đề bức xúc, dễ xảy ra sai phạm

08:45 - Thứ Sáu, 31/05/2019 Lượt xem: 12220 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, thời gian qua, HÐND tỉnh chú trọng đổi mới nội dung và hình thức các cuộc giám sát. Theo đó, giảm số lượng các cuộc giám sát và nâng cao về chất lượng, chú trọng các nội dung, vấn đề cử tri, người dân bức xúc, lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT - XH địa phương.

 

Ðoàn giám sát HÐND tỉnh tham quan mô hình chăn nuôi tại bản Chan II, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng).

Năm 2018, số lượng các cuộc giám sát của HÐND tỉnh, Thường trực và các Ban HÐND tỉnh giảm còn 13 cuộc và đến năm 2019 chỉ còn 7 cuộc (kể cả giám sát chuyên đề và thường xuyên). Thường trực HÐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát tránh trùng thời gian, địa điểm, đối tượng và nội dung giám sát; đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nóng, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân. Các lĩnh vực đã được giám sát như: Việc thực hiện giáo dục mầm non; quản lý đầu tư xây dựng một số dự án công trình giao thông; thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2018; chính sách pháp luật về khám chữa bệnh theo quy định giai đoạn 2015 - 2018; tình hình đầu tư và hiệu quả các công trình thủy lợi; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn từ khi Luật Ðất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay… Thông qua giám sát đã phát hiện nhiều bất cập từ các đơn vị, cơ sở trong thực hiện các Nghị quyết của HÐND tỉnh cũng như các chính sách, chế độ của Nhà nước trên địa bàn. Ðiển hình như việc giám sát tình hình đầu tư và hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh được đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa 497 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy trong số các công trình được đầu tư xây dựng mới có 37 công trình hiệu quả tưới thực tế chỉ đạt dưới 50% công suất so với thiết kế; có công trình chỉ phục vụ cho một số ít hộ dân, chưa phục vụ cộng đồng; thậm chí có công trình được xây dựng nhưng không có bãi tưới. Việc thiết kế một số công trình chưa sát thực tế như công trình thủy lợi Na Tung (TX. Mường Lay), Nà Pen (huyện Ðiện Biên). Bên cạnh đó, một số dự án kéo dài tiến độ phải gia hạn hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, như: Hồ Ẳng Cang (huyện Mường Ảng); Nậm Khẩu Hu (huyện Ðiện Biên); đầu tư không đồng bộ, mới đầu tư đập đầu mối, kênh chính, chưa đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng (hồ Nậm Ngám, huyện Ðiện Biên Ðông)…

Tương tự, cuộc giám sát chuyên đề của HÐND tỉnh về việc thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn tỉnh cho thấy có nhiều chính sách hỗ trợ kiểu “rải mành mành” dàn trải, vì vậy không mang lại hiệu quả cao. Hay chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2011, hộ nghèo được hỗ trợ 30 nghìn đồng/tháng trích từ doanh thu của ngành điện. Mặc dù đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 190/2014/TT-BTC quy định các hộ nghèo, gia đình chính sách được tăng mức hỗ trợ tiền điện từ 30 nghìn lên 49 nghìn đồng/tháng (tương đương với 30 kWh điện) song mức hỗ trợ này vẫn thấp nên nhiều người dân không mấy mặn mà với việc đi lấy tiền, bởi có những hộ nghèo ở xa trung tâm xã đi lại mất cả ngày.

Thông qua các cuộc giám sát giúp HÐND tỉnh nắm rõ hơn về việc chấp hành pháp luật của các đơn vị thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương. Ðồng thời, phát hiện những hạn chế, vướng mắc, đưa ra kiến nghị khắc phục, kịp thời tham mưu đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với các chính sách còn bất cập. Thực tế, đã có nhiều chính sách do quá lâu không phù hợp với địa phương đã được HÐND kiến nghị lên các cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ. Ðiển hình như chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2017 theo Nghị quyết 322/2013/NQ-HÐND của HÐND tỉnh. Qua giám sát phát hiện nhiều nội dung có sự trùng lặp; không phù hợp với thực tiễn; hỗ trợ chồng chéo; định mức hỗ trợ thấp hơn một số chính sách khác… HÐND tỉnh đã bãi bỏ Nghị quyết 322 và thay thế bằng Nghị quyết 05/2018/NQ-HÐND ngày 7/12/2018 về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với những thay đổi tích cực, được đông đảo cử tri, người dân đồng thuận.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top