Bộ trưởng Công an: Không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy

15:20 - Thứ Ba, 04/06/2019 Lượt xem: 10605 In bài viết

"Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển", Bộ trưởng Công an khẳng định trong phiên đăng đàn chất vấn sáng nay tại Quốc hội.

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng ngày 4-6.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khoá XIV, sáng nay 4-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bộ trưởng Công an và các thành viên Chính phủ cùng tham gia giải trình, trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong bốn nhóm vấn đề “nóng” được Quốc hội lựa chọn để tiến hành chất vấn tại kỳ họp lần này, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gồm các nội dung: Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy; Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; Công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Công an là người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Các Bộ trưởng: Tư pháp, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc nhóm vấn đề thứ nhất. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng.

Đầu giờ sáng có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Là đại biểu đầu tiên nêu câu hỏi, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng đề cập tới tội phạm ma túy và đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết về "trách nhiệm của lực lượng chức năng".

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).

Đây cũng là nội dung chất vấn dành cho tư lệnh ngành công an của các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) và Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Các đại biểu chất vấn: “Vận chuyển, mua bán ma túy hiện không tính bằng kg mà bằng tấn".

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này, cụ thể 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình). Chính phủ có kế hoạch phòng chống ma túy; các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đối phó với loại tội phạm này.

“Lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, triển khai nhiều biện pháp, kết quả đấu tranh phòng chống ma túy vừa qua với các con số đã nói lên điều này. Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao. Tình hình ma túy trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Tháng 10-2018, Bộ Công an được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống ma tuý. Từ hội nghị này đến tháng 3-2019, chúng ta đã ra tuyên bố chung cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống ma tuý, khẳng định cả khu vực ASEAN không chấp nhận hợp pháp hoá ma tuý, và các nước ASEAN đoàn kết đấu tranh chống lại ma tuý và loại tội phạm này.

Năm 2018, nhờ dự báo trước tình hình, Bộ Công an đã triển khai những biện pháp ngăn chặn tích cực nguồn ma tuý rất lớn qua các tỉnh phía bắc là Điện Biên, Hoà Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp tại khu vực này thì các đối tượng buôn bán ma tuý chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện có sự can thiệp, chỉ đạo của các đối tượng tội phạm ma tuý là người nước ngoài. Đây là những đối tượng hoạt động ma tuý không chỉ ở Việt Nam, mà là tội phạm hoạt động trên phạm vi quốc tế, trong đó có khu vực ASEAN. Lực lượng phòng chống ma tuý các nước ASEAN đã có sự phối hợp và phát hiện ra những đường dây tổ chức vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia.

"Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển", Bộ trưởng Công an khẳng định.

Dù ở gần vòng xoáy trung tâm thứ hai sản xuất ma túy lớn trên thế giới, nguồn cung lớn, nhu cầu trong nước đang phát triển nhưng so với ASEAN thì Việt Nam có thể kiểm soát được. Số người nghiện ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines.

"Phòng, chống ma túy là cuộc chiến gian khổ, khốc liệt"

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phòng chống ma túy là cuộc chiến gian khổ, khốc liệt; đấu tranh với loại tội phạm này không chỉ của ngành công an mà của cả xã hội, gia đình.

Chủ tịch Quốc hội nhắc tới một cán bộ chiến sĩ biên phòng vừa hy sinh, hai người bị thương nặng trong quá trình bắt giữ tội phạm ma túy vào hôm qua tại Thanh Hóa.

“Vừa qua ngành công an, biên phòng đã phối hợp rất tốt, ngăn chặn và phát hiện nhiều vụ ma túy. Nếu không phát hiện được thì lượng ma tuý này sẽ gây tác hại rất lớn tới từng gia đình, thế hệ trẻ", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề ma túy. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) tranh luận: “Các nước chung quanh xử lý rất mạnh, có phải vì thế tội phạm ma túy đang chọn Việt Nam làm địa bàn lý tưởng? Liệu trong thời gian tới Việt Nam có trở thành địa bàn trung chuyển của ma túy nữa hay không. Mặc dù Việt Nam đã bắt được những vụ lớn nhưng nguy cơ đó đang hiện hữu và nguồn nhu cầu trong nước vẫn đang tiếp tục”?

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng công an trong đấu tranh chống tội phạm ma tuý đã kịp thời phát hiện sự chuyển hướng này trong việc đấu tranh nên bắt giữ được nhiều vụ ma tuý lớn xảy ra tại Việt Nam.

“Mặc dù chúng tôi phát hiện và bắt giữ một số vụ ma tuý lớn từ trước tới giờ chưa có, nhưng chúng tôi đánh giá nguy cơ đó vẫn hiện hữu, và đòi hỏi phải tăng cường sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng phân tích, trên cơ sở các chỉ số, tức là nguồn nhu cầu ở trong nước cũng còn đang tiếp tục, vừa rồi chúng ta xử lý đến hàng tấn ma tuý như vậy nhưng mà lượng nguồn cung từ nước ngoài vào cũng chưa được ngăn chặn.

Thứ hai là áp lực ma tuý từ bên ngoài rất lớn, từ tam giác vàng trở về chúng ta rất gần, 570km, con đường vận chuyển rất thuận lợi, khả năng kiểm soát từ các nước bạn liên quan đến chúng ta cũng có những khó khăn, trong khi đó điều kiện mở cửa phát triển về kinh tế xã hội của chúng ta trong tất cả các mặt, chính những điều kiện này là cơ sở để tội phạm lợi dụng vấn đề này.

Khó khăn nữa là đường biển, đường biên giới rất dài việc kiểm soát cũng đang có những khó khăn, chúng ta mới kiểm soát được ở trên các cửa khẩu, còn các lối mòn, các đường khác mà tội phạm lợi dụng những vấn đề vận chuyển ma tuý kể cả trên đất liềnthì chúng ta có những khó khăn.

Để ngăn chặn, chúng tôi đề đưa ra một số giải pháp: đề xuất với Chính phủ xây dựng kế hoạch tổng thể ngăn chặn qua các biên giới với Lào và đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức phối hợp mở cao điểm dọc biên giới với Lào, có kế hoạch mời các nước trong khu vực, một số tổ chức quốc tế đến Việt Nam thống nhất kế hoạch đấu tranh phòng chống ma túy vào tháng 7 tới. cũng như tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, tuyên truyền sự hỗ trợ của nhân dân.

Tội phạm diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn Quốc hội đã chọn vấn đề liên quan an ninh trật tự trong việc chất vấn ngày hôm nay, sự lựa chọn này cũng thể hiện sự quan tâm của Quốc hội và cử tri cả nước đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của lực lượng công an nhân dân.

 

Về tổng thể chung thời qua mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng chúng ta vẫn giữ vững tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên để phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, trong đó có nỗ lực cố gắng rất lớn của lực lượng công an nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự còn nhiều diễn biến phức tạp. Chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức lớn trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc dư luận mà cử tri và sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Hoạt động ma tuý xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma tuý lớn đã bị bắt giữ. Điều này cho thấy tội phạm đã bắt đầu lợi dụng địa bàn Việt Nam vận chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Trong khi đó, ở nội địa, số người nghiện ma tuý còn rất lớn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện cũng còn nhiều bất cập và tác động rất lớn đến các vấn đề xã hội. Bộ trưởng khẳng định, “ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm khác”.

Sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã bị kìm chế, tuy nhiên tình hình vẫn phức tạp. Tín dụng đen đã len lỏi đến tận những vùng quê, vùng miền núi gây nhiều hiểm hoạ trong nhân dân.

Tội phạm mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em cũng là vấn đề dư luận bức xúc. Trong đó có các hình thức mới như mua bán bào thai qua biên giới, việc xử lý cũng đã gặp một số khó khăn vướng mắc.

Tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam cũng đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới.

Vấn đề tai nạn giao thông, trong đó tình trạng sử dụng rượu bia, ma tuý và các chất kích thích khi tham gia giao thông cũng đang gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng, cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội. Đây cũng là những vấn đề mà các đại biểu rất quan tâm nêu ý kiến và thảo luận.

Chủ trương của Bộ Công an là phải làm giảm tội phạm, xoá bỏ các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm.

Từ đầu năm 2019 đã làm giảm ít nhất 3% số vụ phạm pháp hình sự, đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu này và kết quả bước đầu đạt được đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được còn không ít những tồn tại khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top