NGÀY LÀM VIỆC THỨ 12, KỲ HỌP THỨ BẢY, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Nỗ lực bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội

08:54 - Thứ Tư, 05/06/2019 Lượt xem: 11093 In bài viết

Hôm qua (4-6), kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, chất vấn các thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Xây dựng về các lĩnh vực: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng. Các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình nội dung liên quan.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Trần Hải

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại kỳ họp này, QH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, QH đã quyết định chọn bốn nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải và văn hóa, thể thao và du lịch. Những vấn đề QH lựa chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để hướng tới những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, QH sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến tại các kỳ họp trước. Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của QH, tác động đến công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tích cực trong hoạt động điều hành và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy

Ðại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) và một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về tình hình tội phạm ma túy (TPMT) có chiều hướng gia tăng, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn mới được phát hiện, triệt phá, lực lượng chức năng thu giữ lượng ma túy lớn; cùng với đó các vụ án đặc biệt nghiêm trọng lớn do TPMT gây ra làm rúng động dư luận xã hội. Mặc dù lực lượng công an phối hợp lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này, song hiệu quả chưa cao..., cho nên đã gây tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân. Vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng và giải pháp cụ thể nào để đấu tranh với loại TPMT thời gian tới?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Thời gian qua, Bộ Công an đã báo cáo kết quả bắt giữ lượng ma túy rất nhiều, do lực lượng công an đã dự báo trước được tình hình này, trên cơ sở đó đã có triển khai và kết quả của công tác đấu tranh PCMT vừa qua. Tuy nhiên, TPMT là một vấn đề của tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào không có sự hợp tác mà giải quyết được TPMT. Việt Nam và các nước ASEAN đã có lập trường chung về PCMT. Từ tháng 10-2018, Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai chủ trì Hội nghị cấp bộ trưởng của các nước ASEAN về PCMT. Qua hội nghị này có tuyên bố chung cấp bộ trưởng ASEAN về PCMT; cả khu vực ASEAN không chấp nhận hợp pháp hóa ma túy và các nước ASEAN đoàn kết đấu tranh chống loại tội phạm này.

Bộ Công an đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn vào nước ta. Sau khi bị trấn áp mạnh ở các tỉnh miền núi phía bắc, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền trung, miền nam. Ðáng chú ý, đầu năm 2019 đến nay phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của các đối tượng TPMT là người nước ngoài, không chỉ hoạt động ma túy ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang ở gần trung tâm lớn thứ hai về sản xuất ma túy của thế giới; số người nghiện ma túy và nhu cầu sử dụng ma túy trong nước tiếp tục tăng lên; tội phạm này có diễn biến rất phức tạp. Hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đơn giản hóa thủ tục đưa người vào các cơ sở cai nghiện; vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy; người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự... Do vậy Bộ đang nghiên cứu vấn đề này để đưa vào sửa đổi một số quy định của luật pháp.

Bộ trưởng cho biết một số giải pháp trọng tâm về công tác PCMT, đó là: đề xuất ưu tiên tháo gỡ một số khó khăn về mặt pháp luật; thực hiện đồng bộ các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước đối với TPMT; tiếp tục tăng cường nguồn lực, sự phối hợp chung giữa các lực lượng về PCMT.

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, thời gian qua cả nước đã xảy ra nhiều vụ các đối tượng ngáo đá gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người hoặc bắt cóc con tin. Ðược biết Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn xử lý trường hợp này nhưng chỉ khi nào xảy ra hậu quả, nếu chưa xảy ra hậu quả thì chưa xử lý hình sự được… Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Về vấn đề tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra, là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Số vụ án những người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá có tăng lên trong thời gian qua. Ðiểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được, đối tượng hành vi gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; vợ giết chồng... Qua khảo sát, người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án cao khoảng sáu đến bảy lần người bình thường, tập trung ở dạng tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng, tâm thần trầm cảm. Bộ Công an đã phối hợp chính quyền và các cơ quan chức năng để quản lý đối tượng tâm thần đang sống trong xã hội rất nhiều, cơ sở quản lý những người tâm thần sẽ được tăng cường để quản lý những người không làm chủ được hành vi của mình trong xã hội.

Ngăn chặn hoạt động tín dụng đen và tiêu cực trong thi cử

Các đại biểu: Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và một số đại biểu chất vấn về hoạt động tín dụng đen đang lộng hành, nhiều gia đình có người dính vào nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược qua mạng, từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân, lãi cao vẫn chấp nhận... Ngành Công an và Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này thời gian tới? Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Hoạt động tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm và những phức tạp khác; bản chất của tín dụng đen là vấn đề quan hệ về dân sự, kinh tế, nhưng có giới hạn của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, vượt quá giới hạn đó lại là tội phạm hình sự.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tiến công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành trong giải quyết tín dụng đen. Ðồng thời, Bộ Công an đề nghị phối hợp ngân hàng để tiếp tục đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng lành mạnh để tín dụng đen không có cơ hội, có đất hoạt động.

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung tham gia trả lời chất vấn, giải trình về giải pháp cai nghiện ma túy cho các đối tượng trong các cơ sở cai nghiện ma túy; Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn, giải trình về vấn đề liên quan sự phối hợp giữa công an và kiểm sát trong vụ hiếp dâm bé gái tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và việc thụ lý vụ án điều tra của cơ quan an ninh, cơ quan điều tra của Bộ Công an và cơ quan điều tra của địa phương.

Tại phiên chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Công an đã trả lời nhiều vấn đề khác liên quan an ninh, trật tự. Trong đó, về xử lý các vụ xâm hại trẻ em thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, ngành công an đã phối hợp tòa án, viện kiểm sát thống nhất quy trình, cách thức xử lý hướng dẫn tố giác tin báo, khởi tố tội xâm phạm tình dục với người dưới 16 tuổi. Trước đây, việc xử lý tội phạm này khó khăn nhưng hiện nay, quy trình từ tiếp nhận đến cách thức xử lý đã được thống nhất trên toàn quốc, góp phần quan trọng đẩy mạnh trấn áp loại tội phạm này. Sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng đã tạo lòng tin cho người dân, số lượng người dân tố cáo loại tội phạm này nhiều hơn. Về bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là vấn đề được Bộ quan tâm, xác định an ninh trật tự cơ sở là vấn đề rất quan trọng và tiên quyết trong góp phần giảm tội phạm, giải quyết được những nguyên nhân, mâu thuẫn ban đầu làm phát sinh tội phạm. Do đó, cần phát động mạnh hơn nữa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở nhằm tăng cường tham gia giữ gìn trật tự an ninh tại cơ sở. Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng chí Tô Lâm cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất với QH xây dựng Luật Ðảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ðồng thời tiến hành thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực, giáo dục đạo đức cho cán bộ chiến sĩ, tổ chức lại đội ngũ cảnh sát giao thông,... để nâng cao hiệu quả công tác này. Ðối với công tác điều tra, xử lý gian lận thi cử xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Bộ trưởng Công an cho biết, đến nay đã xác định rõ hành vi và khởi tố vụ án về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ…

Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH về các vụ việc gian lận thi cử, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, cơ quan công an đang tích cực điều tra, xác minh cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cần tổ chức, thực hiện khách quan, trung thực, không để xảy ra tiêu cực. Ðối với những giải pháp căn cơ xử lý tiêu cực trong thi cử, Phó Thủ tướng cho biết, tiêu cực xuất phát từ một bộ phận phụ huynh mong muốn con em mình có điểm thi cao; từ những cán bộ giáo dục có hành vi tiêu cực và từ cơ chế quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các bậc phụ huynh, đội ngũ cán bộ giáo dục cần đề cao tinh thần trách nhiệm, lối sống trung thực, tôn trọng giá trị thật, tôn trọng quyền lợi của người khác. Tinh thần đó cần được giáo dục, định hướng trong nhà trường, trong bộ máy của ngành giáo dục, tại các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý giáo dục; sửa đổi, bổ sung quy chế thi cử thật chặt chẽ, khách quan, nghiêm minh và có sự tham gia giám sát của cả cộng đồng…

Ðối với chất vấn của đại biểu QH về việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những tác hại tiêu cực, nguy hiểm của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và cho biết, pháp luật đã có những quy định cụ thể xử lý các sai phạm trong vấn đề này. Và để tăng tính răn đe, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Phát biểu ý kiến kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Các đại biểu QH đã có nhiều câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung, lĩnh vực an ninh, trật tự, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Những nội dung chất vấn Bộ trưởng Công an và thành viên Chính phủ là những vấn đề được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự được Bộ Công an, các cấp, các ngành quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, còn không ít bất cập, hạn chế: Xã hội chưa thật sự bình yên, người dân chưa thật sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh, trật tự, sự gia tăng của hoạt động tội phạm, những vụ án thương tâm vẫn xảy ra… Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan cần tiếp thu những ý kiến của đại biểu QH, khắc phục những hạn chế. Trong đó, tập trung việc sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; các quy định về tội phạm tín dụng đen, xã hội đen; đánh bạc qua mạng… Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; hạn chế số người nghiện ma túy; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh tội phạm. Nâng cao năng lực của lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn; ngăn ngừa ma túy thẩm lậu qua biên giới, cửa khẩu, đường biển vào nội địa; phối hợp quốc tế phòng, chống hiệu quả tội phạm ma túy… Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở các đợt cao điểm phòng, chống, trấn áp tội phạm; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tăng cường trách nhiệm của các lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm…

Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Mở đầu, các đại biểu QH đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về những vấn đề nóng của ngành xây dựng, trong đó có những yếu kém, hạn chế của công tác quy hoạch đô thị và quản lý trật tự xây dựng.

Trả lời những vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Những năm gần đây, hệ thống đô thị ở nước ta phát triển nhanh và đạt những kết quả tích cực, góp phần giúp diện mạo đô thị ngày càng khang trang hơn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế và bất cập trong lĩnh vực này. Ðáng chú ý là chất lượng quy hoạch và kiểm soát phát triển quy hoạch còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, công tác dự báo chưa đúng với tình hình phát triển và khả năng tăng trưởng dân số, cho nên tính toán sai về cấu trúc không gian tổ chức đô thị, chỉ tiêu hạ tầng và các chỉ tiêu khác, dẫn đến các dự án đầu tư khi xây dựng thiếu các căn cứ cần thiết. Nguồn lực giữa hạ tầng và sự phát triển đô thị chưa bảo đảm; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành, kinh tế kỹ thuật đã có những lạc hậu.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm của ngành về những thực trạng nêu trên, trong đó có việc tham mưu hoàn thiện thể chế chưa kịp thời, chưa phù hợp trong công tác quản lý quá trình phát triển đô thị; chưa phối hợp tốt các địa phương để quản lý, hướng dẫn, đôn đốc; chậm thực hiện các chức trách, nhiệm vụ, như: thẩm định dự án, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn; còn một bộ phận cán bộ chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân… Giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới là nâng cao chất lượng quy hoạch và tính khả thi của quy hoạch; kiểm soát việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công bố công khai quy hoạch để nhân dân biết, giám sát; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, qua đó xử lý nghiêm những vi phạm.

Về quản lý trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết: Tại các địa phương, công tác này đã có những chuyển biến tốt, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Năm 2016 có 15.593 công trình xây dựng vi phạm, năm 2018 đã giảm xuống còn 10.608. Tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý trật tự xây dựng. Lực lượng thanh tra xây dựng đô thị còn mỏng, tổ chức chưa hợp lý, hoạt động chưa đạt hiệu quả tốt và tinh thần trách nhiệm chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong xây dựng chưa tốt, nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Trong thời gian tới, ngành xây dựng cùng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật để xử lý nghiêm minh các vi phạm trong trật tự xây dựng. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm mô hình hoạt động, làm việc của lực lượng thanh tra xây dựng đô thị…

Tại phiên giải trình, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng thiếu sâu sát, buông lỏng, còn nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước đối với đầu tư bất động sản ở khu vực tư nhân, nhất là ở những loại hình bất động sản mới, như condotel, officetel cũng như các dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,... Thừa nhận những yếu kém nêu trên, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Hệ thống pháp luật hiện hành đã có những điều khoản cụ thể để kiểm soát các loại hình bất động sản mới thông qua giấy phép xây dựng, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể với một số loại hình bất động sản hỗn hợp. Theo nghiên cứu, nhu cầu của thị trường về các loại hình bất động sản này vẫn còn nhiều, với tiềm năng khai thác tốt trong thời gian tới. Do đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan nhằm đưa ra những chính sách cụ thể về chế độ, thời gian khai thác, sử dụng đất... trong phục vụ các loại hình bất động sản mới. Cụ thể, trong năm 2019, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, vận hành; phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra chế độ, thời gian sử dụng đất phục vụ các loại hình bất động sản mới. Theo đó, cân bằng hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm việc gìn giữ, bảo tồn các công trình tâm linh, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Một bất cập khác được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến là tình trạng chi phí đầu tư, giá thành các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thường cao hơn công trình tương tự do tư nhân đầu tư, quản lý, dẫn đến sự bất ổn trong thị trường bất động sản, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Bộ trưởng thừa nhận các vấn đề nêu trên là hệ quả của việc triển khai chưa kịp thời và đầy đủ hệ thống định mức đơn giá liên quan. Ðến nay, Bộ Xây dựng đã rà soát 14.000 đơn giá công trình trong hệ thống và sẽ tiến hành sửa đổi trong thời gian gần, tiến tới thực hiện định mức đơn giá mới vào năm 2021 theo hướng giảm giá thành một cách phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Ðồng thời, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong tiếp cận nguồn vật tư, nguyên liệu xây dựng, tránh để xảy ra chênh lệch, thất thoát. Nếu phát hiện trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán có hiện tượng "bôi trơn", cán bộ sai phạm... thì sẽ xử lý đúng theo quy định của luật pháp. Liên quan hiện tượng một số người nước ngoài thông đồng, móc nối, nhờ người Việt Nam đứng tên để mua gom nhiều khu đất, dự án đầu tư bất động sản mới, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề phức tạp, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ Bộ Công an để đưa ra thống kê, số liệu cụ thể, đánh giá chi tiết, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ tiến hành xử lý nghiêm cả về trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.

Hiện nay, công tác quản lý các loại hình bất động sản mà điển hình là chung cư vẫn tồn tại nhiều bất cập, không những vậy còn liên tiếp nảy sinh những vấn đề mới như xuống cấp, thiếu kinh phí cải tạo, huy động nguồn vốn xã hội hóa còn quá chậm, bất động sản bị "đội giá" cao và diễn biến phức tạp, nhiều dự án chưa thực hiện đầy đủ cơ sở pháp lý đã được chủ đầu tư rao bán... Trong số các nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nêu trên, có trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng trong quy hoạch, thẩm định và cấp phép xây dựng. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương nhằm đề xuất với Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách mới trong quản lý một số loại hình bất động sản cụ thể.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top