Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ luật hóa để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt

14:13 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 10708 In bài viết

Sáng 6-6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn sáng 6-6.

Trong phiên chất vấn các vấn đề về văn hóa do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chính, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Yếu tố nào hình thành nên khái niệm, quan niệm về văn hóa ứng xử, văn hóa truyền thống, là thói quen, hành vi ứng xử hay khái niệm mới, ý niệm mới về chuẩn mực đạo đức xã hội văn minh? Đã đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hóa khái niệm, quan niệm về văn hóa, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý nhà nước bằng bộ ngôn ngữ tiếng Việt trung tính và khách quan chưa?”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: Thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với nhiều quy định kể cả Hiến pháp, luật, nghị đinh, thông tư, quy chế hương ước mang tính cục bộ từng địa phương, từng cơ quan. Chúng ta không ngừng hoàn thiện bổ sung và phải sửa đổ các quy định này, Khi ban hành thì phải thực hiện cho nghiêm, có vi phạm thì xử lý.

Đối với tiếng Việt, trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, đoàn Khánh Hòa đã đề nghị ban hành luật. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và giao Viện hàn lâm Khoa học xã hội, trong đó có Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ, chuẩn bị luận cứ xây dựng luật này. Tiếp tục chỉ đạo bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng luật này.

Mặt khác, có nhiều hoạt động bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt được các cơ quan tổ chức. Chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, đặc biệt chú ý sự trong sáng của tiếng việt ngay từ mẫu giáo trở lên.

Chủ động chi vốn khi cần trùng tu di tích, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo du lịch

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng gửi câu hỏi chất vấn đến Chính phủ về những khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần được di tu, tôn tạo, bảo tồn như thế nào để vừa phát huy được truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc Việt Nam vừa là điểm đến hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Thí dụ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo đã được Chính phủ công nhận hơn 40 năm nhưng việc trùng tu, tôn tạo chưa được Trung ương quan tâm đúng mức, xứng tầm.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2018, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cấp khẩn cấp 13 tỷ đồng để tôn tạo khu di tích Côn Đảo. Do quy định về đầu tư công, sau khi lấy ý kiến Bộ Tài chính, đã chỉ đạo theo kế hoạch đầu tư trước mắt ứng ngân sách tỉnh, sau đó đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.

Phó Thủ tướng cũng khuyến nghị, không chỉ Bà Rịa – Vũng Tàu mà cả các địa phương khác, khi có công trình cần xử lý gấp nên lấy ngân sách địa phương xử lý trước rồi đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.

Về vấn đề lợi dụng uy tín hội của các hội để tổ chức tour du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo người tiêu dùng, Phó Thủ tướng cho rằng, cũng giống như các hành vi bán hàng đa cấp và nhiều hành vi khác, trước hết mỗi người dân cần cảnh giác trước các chiêu bài lừa gạt. Lưu ý khi cho không hoặc rẻ hơn mức bình thường thì hết sức cảnh giác, Các tổ chức đoàn thể xã hội cần tuyên truyền cho người dân khi phát hiện báo để cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm, đã xử hành chính mà tái phạm có thể xử hình sự.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top