Cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ cần tránh chồng chéo, phát sinh lạm quyền

16:38 - Thứ Tư, 12/06/2019 Lượt xem: 10907 In bài viết

Sáng 12-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm quy định đầy đủ, cụ thể trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Cần quy định “thoáng hơn” với các mức xác định nợ thuế

 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng một số đại biểu có ý kiến, cần xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung quy định người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế, người đang nợ thuế không được xuất cảnh.

Đại biểu Tuấn nêu, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp người nộp thuế không muốn vi phạm, không biết mình vi phạm, không biết mình đang nợ thuế, đến khi làm thủ tục xuất cảnh mới biết mình nợ thuế nhưng số tiền nợ thuế thấp, chỉ vài trăm ngàn. Do đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể theo hướng “thoáng hơn”, có các mức xác định nợ thuế để người dân không bị hoãn xuất cảnh một cách đáng tiếc.

Việc hoãn xuất cảnh với lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm, lây lan, truyền nhiễm cũng cần được xem lại, vì có trường hợp người bị bệnh sang nước ngoài để chữa bệnh và có thể chữa khỏi bệnh, nhưng nếu cho là bệnh truyền nhiễm không cho đi thì bất hợp lý.

Bên cạnh đó, nội dung hoãn xuất cảnh với lý do quốc phòng, an ninh như quy định trong dự thảo luật là chung chung; cần xác định rõ hoặc là bỏ nội dung này để bảo đảm quyền công dân, quyền con người.

Các đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa), Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) cùng một số đại biểu nêu về các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh. Theo quy định trong dự thảo luật, người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự, kinh tế, hành chính… thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh. Quy định này vừa không chính xác về mặt ngôn ngữ với luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, vừa không bảo đảm tính khả thi, có thể dẫn đến xâm phạm các quyền của công dân. 

Trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, chỉ có nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, chứ không có người có nghĩa vụ trong vụ án. Nếu quy định như dự thảo luật, người làm chứng trong các vụ án kinh tế, dân sự, hành chính… cũng thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, quy định như vậy còn dễ bị diễn giải theo ý chủ quan, lạm dụng trong việc xác định nguyên nhân xuất cảnh, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân.

Công dân ra nước ngoài sẽ đóng phí “chia tay”?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật cần mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh, không chỉ riêng phần xuất, nhập cảnh ra khỏi biên giới mà điều chỉnh cả phần quản lý trách nhiệm của công dân Việt Nam, các cơ quan quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài.

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội).

Tại Điều 4 về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung công dân Việt Nam khi ra nước ngoài cấm vi phạm luật pháp, phong tục tập quán của đất nước sở tại; cấm xâm nhập bất hợp pháp biên giới, lãnh hải nước ngoài…

“Khi công dân Việt Nam ra nước ngoài cần bị cấm những hành vi xâm phạm phong tục tập quán, hành động gây mất vệ sinh hay hành vi vô văn hóa, vì đây là những yếu tố rất được coi trọng ở một số quốc gia. Văn hóa bắt đầu từ sạch đẹp”, đại biểu Đoàn Hà Nội nêu.

Về Điều 5 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, đại biểu cũng đề nghị nhấn mạnh đến việc công dân có quyền được nhà nước Việt Nam bảo hộ những quyền hợp pháp, tránh trường hợp sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân Việt Nam ở nước ngoài bị xâm phạm, ảnh hưởng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng đề xuất, Quốc hội và cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét học tập một số quốc gia trên thế giới, quy định khi công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp khoản tiền gọi là phí “chia tay”, khoảng 3-5 USD/người. 

Số tiền này được trích một phần để các cơ quan ngoại giao bảo hộ, hỗ trợ công dân khi gặp khó khăn; một phần để cơ quan xuất, nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật, bảo đảm chất lượng phục vụ được chu đáo, thân thiện hơn; và phần còn lại dành cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch, giúp quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch nước nhà. 

Đại biểu ví dụ, tại Nhật Bản đã ban hành đạo luật được áp dụng từ ngày 7-1-2019, quy định mỗi công dân ra nước ngoài đóng phí "chia tay", phí du lịch là 1.000 yên. Chính phủ Nhật Bản dự kiến thu được 400 triệu USD mỗi năm từ nguồn này để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân và xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. 

Cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ cần rõ ràng, minh bạch

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Điều 4 dự thảo luật về các hành vi bị cấm chủ yếu với đối tượng là công dân có nhu cầu xuất, nhập cảnh và những cán bộ công chức thừa hành mà chưa có đối tượng là cán bộ quản lý, lãnh đạo ở các cấp. Theo đại biểu, đây là người có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định việc xuất, nhập cảnh của công dân. Những người này một khi đã chỉ đạo thì cấp dưới phải thi hành.

Qua một số vụ án đối tượng xuất cảnh trái phép bị truy nã quốc tế vừa qua, đại biểu đề nghị bổ sung loại hành vi bị cấm của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội).

Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ, dự thảo luật quy định 2 phương án:

Phương án 1: Quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài.

Phương án 2: Quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Khánh phân tích, phương án 1 quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhiệm nhiều chức danh của Đảng, chính quyền, đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối. Phương án 2 lại chưa cụ thể Điều 14 của Hiến pháp về quyền tự do đi lại trong nước và ngoài nước của công dân. Nội dung này cần được quy định trong văn bản luật, không nên giao cho Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.

Cùng quan điểm với nhiều đại biểu đã phát biểu trước đó, đại biểu Khánh tán thành phương án 1 và đề nghị Chính phủ gia công xây dựng phương án 1 tốt hơn, rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo, dễ phát sinh lạm quyền. Nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ cần sắp xếp lại bảo đảm tiêu chí ngắn gọn, khoa học, tránh trùng lặp các chức danh của một người.

“Trường hợp Vũ 'nhôm' vừa qua có vài hộ chiếu ngoại giao và công vụ cùng một thời điểm phải chăng xuất phát từ quy định trùng lặp kiểu như phương án 1”, đại biểu Khánh nêu.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội cuối phiên thảo luận.

Cuối phiên thảo luận, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm một lần nữa khẳng định, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục khó khăn, bất cập trong quản lý xuất, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam những năm qua.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu và mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và của nhân dân. Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top