Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả

08:49 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 12725 In bài viết

ĐBP - Hơn 1 năm qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ðây là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng đảng, đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

 

Sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã là một trong những nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Phạm Trung

Những kết quả bước đầu

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 16/3/2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2054/KH-UBND ngày 31/7/2018 thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tỉnh đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh sát với yêu cầu của Trung ương và điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện thí điểm một số mô hình mới.

Ðến nay, 2 đơn vị cấp huyện: Ðiện Biên và TX. Mường Lay được giao thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyện môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đã hoàn thành đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ tháng 2/2019, TX. Mường Lay đã tiến hành hợp nhất Văn phòng Thị ủy và Văn phòng HÐND - UBND thị xã. Dự kiến thời gian thí điểm đến tháng 6/2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định thí điểm hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện, Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ tại huyện Ðiện Biên. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Ðào tạo; các phòng Giáo dục và Ðào tạo đã xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp, sáp nhập các trường học trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện (đến năm 2021 giảm tối thiểu 50 đầu mối sự nghiệp công lập). Sở Y tế đã xây dựng Ðề án giảm 17 đầu mối (từ 36 đơn vị trực thuộc xuống còn 19 đơn vị), trong đó: tuyến tỉnh giảm 7 đầu mối, tuyến huyện giảm 10 đầu mối; giảm 11 phòng khám đa khoa khu vực thuộc trung tâm y tế cấp huyện quản lý; giảm 15 chức danh lãnh đạo tuyến tỉnh, 2 giám đốc và 8 phó giám đốc phụ trách của 10 Trung tâm dân số - KHHGÐ, 11 trưởng phòng khám đa khoa khu vực. Dự kiến đến năm 2021, Sở Y tế tinh giản 377 người, đạt 10,5% tổng biên chế.

Với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh ta đã kiện toàn sắp xếp lại 7 ban quản lý dự án xuống còn 4 ban quản lý dự án cấp tỉnh; sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề cấp huyện để thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện; thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế; thành lập Trường THCS và THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa) trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo trên cơ sở nâng cấp Trường THPT dân tộc bán trú và THCS Xá Nhè.

Ngoài ra, thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Ðến nay, toàn tỉnh đã tinh giản được 792 người, trong đó: công chức hành chính cấp tỉnh, huyện 59 người; viên chức sự nghiệp Nhà nước 624 người; cán bộ công chức cấp xã 87 người; công chức, viên chức cơ quan Ðảng, đoàn thể 21 người và cán bộ quản lý doanh nghiệp 1 người.

Huyện Ðiện Biên là 1 trong những huyện thực hiện nhiều mô hình thí điểm theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sau khi có văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Ðiện Biên đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện nghiêm túc với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ tháng 11/2018, huyện Ðiện Biên đã tổ chức thí điểm hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện; Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ. Ðến nay, huyện Ðiện Biên đã hoàn thành cơ bản các Ðề án về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ðặc biệt, huyện Ðiện Biên là 1 trong 2 huyện đầu tiên hoàn thành Ðề án sát nhập đơn vị hành chính và các thôn, bản, tổ dân phố chưa đủ điều kiện theo quy định.

Còn nhiều khó khăn

Ông Ðặng Quang Minh, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền địa phương và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ) cho biết: Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Khó khăn nhất là chưa có hướng dẫn về cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý, khung số lượng tổ chức, khung số lượng biên chế được thành lập tổ chức, tỷ lệ số lượng cấp phó so với số lượng biên chế được giao đã làm chậm tiến độ sắp xếp, tổ chức bộ máy, nảy sinh nhiều bất cập trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính với tiêu chí về diện tích, dân số, số hộ gia đình để thành lập bản theo Nghị định số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa phù hợp với thực tế của các tỉnh miền núi; yêu cầu thực hiện giảm 10% biên chế trong điều kiện tỉnh đang thiếu rất nhiều giáo viên không phù hợp với yêu cầu thực tiễn...

Sáp nhập đơn vị hành chính và sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định là một trong những khó khăn của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 2 huyện: Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông hoàn thành Ðề án sáp nhập đơn vị hành chính và sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Ðối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng Ðề án.

Ông Lê Ðại Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, 100% xã trên địa bàn đã xây dựng đề án sáp nhập các thôn, bản không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Thời điểm này, chính quyền các xã đang tổ chức lấy ý kiến người dân về đề án sáp nhập các thôn, bản nhưng đa phần người dân không đồng ý sáp nhập. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, chia cắt, nhiều bản cách xa nhau; khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán... Ðến nay, toàn huyện mới chỉ có 6 bản ở xã Chà Nưa đồng ý sáp nhập thành 3 bản, gồm: Nà Ín 1 với Nà Ín 2; Nà Sự 1 với Nà Sự 2 và Nà Cang với Hô Bai. Theo yêu cầu của tỉnh, đến tháng 9/2019, các huyện, thị xã, thành phố phải trình tỉnh Ðề án sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn quy định. Nhưng với tiến độ này, khả năng huyện Nậm Pồ chỉ lập được đề án sáp nhập từ 6 bản thành 3 bản ở xã Chà Nưa.

Ðể thực hiện nội dung sáp nhập đơn vị hành chính và sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, UBND tỉnh đã kiến nghị với Trung ương giảm tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính để phù hợp hơn với những vùng miền có quy mô nhỏ: Miền núi thì giảm tiêu chí về dân số, đồng bằng thì giảm tiêu chí về diện tích. Ðồng thời đề nghị bổ sung các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo... để việc sắp xếp đảm bảo tính ổn định lâu dài; UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Nội vụ giảm tiêu chuẩn số hộ gia đình khi thành lập bản mới.


Phạm Trung
Bình luận
Back To Top