Bảo đảm hậu cần xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

09:03 - Thứ Tư, 10/07/2019 Lượt xem: 10540 In bài viết

ĐBP - Công tác bảo đảm hậu cần là một mặt công tác quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của quân đội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”; “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh, công tác đảm bảo hậu cần có đóng góp quan trọng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng vũ trang tỉnh mà đặc biệt là ngành hậu cần đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh, giải quyết thành công nhiều vấn đề tổ chức bảo đảm hậu cần. Tiêu biểu cho công tác bảo đảm hậu cần trong kháng chiến đó chính là bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðể thực hiện phương châm “Huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”, Ban Cán sự Ðảng tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện. Nhiệm vụ của Ban là đi sâu vào vùng hậu địch tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Ðồng thời, chỉ đạo các huyện đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất (TGSX) để chống đói, vận động nhân dân không nấu rượu bằng gạo mà bằng sắn, chuối, hoa quả khác, chăn nuôi không nên dùng lương thực; vận động cán bộ các cơ quan, bộ đội ăn độn để làm gương cho nhân dân. Việc huy động dân công phải tính toán cụ thể, tránh lãng phí nhân lực để tập trung vào TGSX. Ở tỉnh, huyện phân công các đồng chí ủy viên ban cán sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc TGSX. Ở xã thành lập ban TGSX gồm các đồng chí trung kiên và thành phần tích cực trong các đoàn thể, đại biểu của ủy ban kháng chiến hành chính xã. Cán bộ được phân công đến từng bản, xã điều tra khả năng lương thực còn lại sau khi nộp thuế của dân để vận động bà con cho nhà nước vay phục vụ chiến dịch. Qua công tác vận động, nhân dân các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Ðiện Biên, Thuận Châu đã cho Chính phủ vay 2.663,312 tấn gạo, bán 106,098 tấn thịt, 134,658 tấn rau, chặt được 25.070 cây gỗ lát đường, góp 147.542 ngày công phục vụ chiến trường.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình nay theo tiếng gọi của Ðảng cũng đã hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hi sinh vất vả cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương. Ðể có gạo phục vụ chiến dịch, đồng bào các dân tộc đã giã gạo vào cả ban đêm, việc mà trước đây kiêng cữ, kể cả nam giới cũng tham gia giã gạo (trước đây việc này chỉ có phụ nữ làm). Có nhiều gia đình còn mang cả ngựa của nhà đi chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ từ 1 đến 2 tháng. Ðặc biệt trên tuyến đường sông Nậm Na chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ Phong Thổ về Lai Châu - Ðiện Biên Phủ, nhân dân và du kích địa phương dọc hai bên bờ sông Nậm Na đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm cùng bộ đội và các đoàn vận tải vượt thác đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến bè, mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm để cung cấp cho mặt trận.

Tổng kết Chiến dịch Ðiện Biên Phủ: Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công tính ra bằng 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua.

Trong thời kỳ đổi mới, các cơ quan đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác hậu cần thường xuyên và đột xuất cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ðể thực hiện tốt công tác hậu cần, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng mô hình TGSX hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị. Việc phân cấp bảo đảm lương thực thực phẩm được duy trì, đúng chế độ, tiêu chuẩn cho các đối tượng theo quy định. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức TGSX theo đúng chỉ lệnh công tác hậu cần của Quân khu, của Bộ CHQS tỉnh, phát triển TGSX theo mô hình “5 cơ bản” ngày càng vững chắc và hiệu quả. Nhờ đó, đã sản xuất ra lượng lương thực, thực phẩm lớn, thường xuyên đưa sản phẩm có giá rẻ hơn giá thị trường vào bữa ăn, thiết thực cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội, như: Các loại thịt, cá rẻ hơn từ 5 - 10%; rau, củ, quả rẻ hơn từ 20 - 50%. Năm 2018, sản phẩm thu hoạch từ TGSX đạt 25,17 tấn thịt xô lọc; 6,6 tấn thịt gia cầm; 14,92 tấn cá; 110,3 tấn rau, củ quả. Giá trị thu lãi từ TGSX đạt trên 1,3 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó, công tác phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội cũng là một trong những quan tâm hàng đầu của Ðảng ủy, chỉ huy và ngành Hậu cần Bộ CHQS tỉnh. Các đơn vị luôn đảm bảo đầy đủ trang bị và thuốc chữa bệnh theo kế hoạch năm và các nhiệm vụ đột xuất; điều trị đúng phác đồ, duy trì thực hiện buồng điều trị đúng quy định. Thực hiện tốt công tác hiệp đồng tuyển quân với Hội đồng khám tuyển của 10 huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm thanh niên nhập ngũ đều đủ tiêu chuẩn sức khỏe. 

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang tỉnh Ðiện Biên đã gặt hái được những thành quả, chiến công vẻ vang với sự đóng góp quan trọng của công tác hậu cần. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới bên cạnh thuận lợi cơ bản đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng vũ trang nói chung và công tác hậu cần nói riêng. Do đó Ðảng ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Ðảng; củng cố hệ thống tổ chức hậu cần nhân dân và hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện; lấy hậu cần nhân dân, hậu cần trong khu vực phòng thủ là nền tảng và hậu cần quân đội là nòng cốt; thực hiện hậu cần gắn với dân, gắn với kinh tế, trên từng địa bàn, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện công tác hậu cần. Cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội luôn nêu cao tinh thần và quan điểm phục vụ bộ đội; tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp công tác; hoàn thiện phương thức bảo đảm và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước đổi mới trang bị hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Nguyễn Tiến Dũng

(Bộ CHQS tỉnh)

Bình luận
Back To Top