Khắc phục “hành chính hóa” trong hoạt động của MTTQ và các đoàn thể

09:01 - Thứ Hai, 15/07/2019 Lượt xem: 13236 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng “hành chính hóa” trong tổ chức và ỷ vào hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước... Ðặc biệt, đã phát huy được vai trò làm chủ của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; từ đó góp phần xây dựng chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ tại xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Phương Linh

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội” (gọi tắt là Kết luận số 62), MTTQ và các đoàn thể luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc theo hướng sát thực tế; đa dạng hóa các mô hình tập hợp quần chúng. Nhiều phong trào, cuộc vận động được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ðặc biệt, MTTQ và các đoàn thể đã xây dựng các chương trình, phong trào hoạt động sát với thực tiễn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào 3 không (khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội; khu dân cư không vi phạm vệ sinh môi trường, các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; khu dân cư không vi phạm hương ước, quy ước). Phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; thanh niên lập nghiệp, thanh niên tình nguyện (đoàn thanh niên); thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo (LÐLÐ tỉnh)...

Các phong trào, cuộc vận động được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả, duy trì tính bền vững và được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Nổi bật như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vận động nhân dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu… Thành lập các tổ tự quản, thường xuyên đồng hành cùng nhân dân vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh (hiện nay, mô hình đã lan tỏa đến 565 khu dân cư); tiếp tục duy trì các mô hình: “Bản làng bình yên”, “Gia đình, dòng họ khu dân cư không ma túy”… Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo cũng được Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đổi mới phương thức hoạt động từ vận động, quyên góp, ủng hộ. 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân bổ 2.000 suất quà trị giá 1.160 triệu đồng cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; bàn giao, đưa vào sử dụng 60 nhà đại đoàn kết.

Với phương châm “Ða dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng” MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã coi trọng việc hướng các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước về cơ sở. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đều được triển khai nghiêm túc; đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy vai trò hạt nhân của trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trước đây, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền của Hội LHPN tỉnh chủ yếu bằng văn bản, theo hướng máy móc, dập khuôn từ tỉnh đến cơ sở nên chưa thu hút được hội viên; đặc biệt là việc tiếp cận của hội viên với các chính sách, phong trào mới còn rất hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều chuyển biến. Bà Mào Thị Bạn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở” đặt lợi ích của hội viên lên trên hết, Hội LHPN tỉnh đã đi sâu đi sát vào thực tiễn, nhất là đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập hợp hội viên gắn với thực tiễn mỗi địa phương, như: “Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa hội viên và cán bộ phụ nữ các cấp”; “nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở”; “phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ”; “nâng cao hiệu quả chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thực của phụ nữ”… Nhất là phong trào “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã lan tỏa đến 9 xã thuộc 4 huyện biên giới. Ðặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khơi gợi nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm, quyên góp ủng hộ phụ nữ nghèo biên cương có thêm tư liệu, nguồn vốn để sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội LHPN đã tặng nhiều phần quà cho phụ nữ nghèo biên cương với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng; trao tặng 1 mái ấm tình thương; khảo sát xây dựng điểm trường bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé), huyện Mường Nhé trị giá gần 200 triệu đồng.

Có thể thấy, từng bước khắc phục bệnh “hành chính hóa” trong hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ góp phần xóa bỏ sự bất hợp lý, thiếu khoa học; đặc biệt trong việc vận động quần chúng trên tinh thần tự nguyện của đoàn viên, hội viên. Từ đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top