Ðưa các anh về đất mẹ yêu thương

09:10 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 12058 In bài viết

ĐBP - Những cơn mưa mùa hè bất chợt, đôi khi xối xả kéo dài nhiều ngày làm không ít công việc phải ngưng trệ. Ðây cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi cán bộ, chiến sĩ Ðội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) tranh thủ nghỉ ngơi, về thăm gia đình sau những tháng ngày ròng rã khắp rừng sâu núi thẳm làm nhiệm vụ thiêng liêng là đưa các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào về với Tổ quốc thân thương.

 

Ðón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh bên nước bạn Lào tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao.

Gian khó không thể ngăn bước

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã tổ chức đón nhận, truy điệu, an táng 193 hài cốt liệt sĩ. Mới đây nhất, ngày 19/6 là lễ đón nhận, truy điệu và an táng 12 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên nước bạn Lào về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên). Các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào được đưa về tỉnh ta đều do Ðội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) tìm kiếm, cất bốc. Ðể hiểu thêm về công tác này, chúng tôi tìm đến gian nhà cấp 4 cũ kĩ, đơn sơ nằm sâu trong khuôn viên Trung đoàn 82 là hậu cứ của Ðội tại Ðiện Biên. Thật tiếc thời điểm này Ðội trưởng - Ðại tá Hán Văn Hùng không có mặt tại địa bàn nhưng tiếp chúng tôi là 2 cán bộ đã nhiều năm gắn bó với hoạt động đầy tình nghĩa thiêng liêng này.

Cuộc trò chuyện bắt đầu với cảm xúc nghẹn ngào đặc biệt khi chúng tôi biết căn phòng nhỏ nơi mình đang ngồi trao đổi công việc có bàn thờ cờ đỏ sao vàng đã từng là nơi “lưu trú” tạm thời của hài cốt các liệt sĩ sau khi di chuyển từ Lào về Việt Nam. Hiện nay, việc đón các hài cốt liệt sĩ đã được thực hiện từ Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để người dân địa phương dâng hương tưởng nhớ trước khi tổ chức truy điệu, an táng. Ðể có thể đưa những người lính đã nằm nơi đất khách quê người hàng chục năm về quê hương, các cán bộ Ðội Quy tập hài cốt liệt sĩ phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được Ðội thực hiện liên tục từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, mỗi chuyến đi trung bình kéo dài từ 10 - 15 ngày. Vào mùa mưa Ðội tập trung nắm bắt địa bàn, khai thác, chắt lọc, phân tích và so sánh các nguồn thông tin để xác định vị trí, địa điểm sẽ lên đường tìm kiếm, cất bốc vào mùa khô tới. Dù tiếp nhận nhiều thông tin từ quần chúng nhân dân, các cựu chiến binh và một số nơi cũng có sơ đồ mộ chí nhưng công cuộc tìm kiếm vẫn như “mò kim đáy bể” bởi nhiều thông tin khá mơ hồ, theo thời gian, cảnh vật, địa danh đều thay đổi khó nhận ra, cùng với đó là đồi núi dốc cao, rừng thiêng nước độc. Mặc dù vậy, các anh không nề hà khó khăn, một khi có nguồn tin tin cậy thì dù xa xôi, gian khổ cũng đến tận nơi tìm kiếm.

Trao đổi với Thượng úy Phí Ngọc Tiến, cán bộ Ðội Quy tập mộ liệt sĩ được biết, mỗi chuyến đi sang nước bạn Lào, các anh đều chuẩn bị lương khô, ruốc, thịt ướp muối rang thật mặn… để sẵn sàng hành trình tìm kiếm phải len lỏi nhiều ngày trong rừng. Những chuyến đi uống nước suối, ăn củ/nõn chuối rừng thay rau, mắc võng ngủ giữa rừng già bạt ngàn đã quá quen thuộc với các thành viên của Ðội. Chuyến đi nhớ nhất của Thượng úy Tiến là vào tháng 11/2016, tổ công tác của Ðội gần 10 người thực hiện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại đỉnh Sam Nhọt, tỉnh Luông Nậm Thà. Sau gần 1 ngày đi bộ từ khu dân cư gần nhất, các anh hạ lán, mắc võng trên đỉnh núi, chia nhóm tìm kiếm hết đỉnh Sam Nhọt và các quả đồi lân cận. Theo sơ đồ cũ, vị trí chôn cất các liệt sĩ chỉ ngay đây nhưng sau nhiều năm, đất đá xói mòn, cây rừng phát triển rậm rạp nên sau nhiều ngày vẫn chưa xác định được đúng vị trí mộ. Thượng úy Tiến bồi hồi kể lại: “Khi ấy cả đội chỉ biết kiên trì tìm kiếm với niềm tin chắc chắn các anh còn nằm lại nơi đây. Cuối cùng sau 14 ngày ròng rã trong rừng sâu, Ðội tìm được nơi chôn cất 19 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Khi ấy cả đoàn đều xúc động không nói nên lời. Niềm hạnh phúc trong mỗi chuyến đi của chúng tôi là tìm được mộ các liệt sĩ, dù trải qua bao vất vả cũng không còn cảm thấy mệt nhọc nữa.

Niềm tin dẫn đường

Ðội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại 6 tỉnh Bắc Lào. Không ít khu vực dù có sơ đồ chắc chắn, Ðội tìm đi tìm lại 5 - 7 chuyến, đào không biết bao nhiêu vị trí cuối cùng mới cất bốc được hài cốt các liệt sĩ nhưng cũng có những địa điểm sau nhiều lần dừng chân đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Với những trường hợp như vậy, Ðội xác định lại vị trí theo sơ đồ, củng cố, đối chiếu thông tin và tiếp tục tìm kiếm những chuyến sau. Ðể làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng này, Ðội không chỉ dựa vào những thông tin đáng tin cậy, sự giúp đỡ của cán bộ địa phương và người dân bản địa mà còn nhờ niềm tin và sự kiên trì, kiên định của người lính. Trung úy Sùng A Hờ, người gốc Tủa Chùa, đã hơn 8 năm được điều động đến Ðội Quy tập mộ liệt sĩ, kể cho chúng tôi nghe những chuyến tìm kiếm như vậy. Năm 2014, từ lời kể của 1 người cao tuổi tại tỉnh Luông Nậm Thà về việc ông từng đi săn thú trên núi Nam Ta Na và thấy 2 ụ đất giống như ngôi mộ cùng hệ thống giao thông hào của bộ đội xưa, Ðội Quy tập được bộ đội địa phương Lào dẫn đường đi bộ từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới lên đến nơi. Giữa rừng tre bạt ngàn, các thành viên Ðội lần theo từng dấu vết đã mờ dần theo thời gian, rồi khoanh vùng tìm kiếm, xác định phương hướng. Hơn 1 ngày sau, Ðội tìm được 2 bộ hài cốt và đưa các liệt sĩ cùng xuống núi, về với Tổ quốc. Trung úy Sùng A Hờ chia sẻ thêm: “Có nhiều mộ chúng tôi phải đào rất sâu, tưởng như không có hi vọng nhưng sự kiên nhẫn và kinh nghiệm đã giúp chúng tôi tìm được các liệt sĩ. Có lần tôi là người trực tiếp tham gia đào 1 ngôi mộ sâu gần 2m, quá đầu mình, vì có cơ sở để tin và thấy càng đào chất đất càng khác nên cặm cụi làm, đến khi những hiện vật và hài cốt liệt sĩ dần lộ ra thì vỡ òa vui sướng. Tôi và các đồng đội xác định dù tìm được hay không thì khi nhận được những thông tin đáng tin cậy đều sẽ lên đường và tìm kiếm hết mình, không nề hà khó khăn, gian khổ”. Sau mỗi đợt tìm kiếm, những người lính Ðội Quy tập mộ liệt sĩ trở về với làn da đen sạm, gương mặt hốc hác vì những ngày ăn ngủ tranh thủ, làm việc thâu trưa, dãi nắng dầm mưa nhưng ai cũng tươi vui, rạng rỡ bởi hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng của mình, đưa được những người đồng đội thế hệ trước từ nơi đất khách quê người về với đất mẹ yêu thương.

Cùng với tiếp nhận, truy điệu, an táng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về thì từ năm 2015, tỉnh ta đã triển khai thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân phát hiện các ngôi mộ ngoài nghĩa trang nghi là mộ liệt sĩ để điều tra, xác minh, lập bản đồ tìm kiếm. Năm 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cho 187 cán bộ là lãnh đạo cấp huyện, xã đội trưởng, trợ lý chính trị ban CHQS 10 huyện, thị xã, thành phố. Thượng tá Nguyễn Ðức Thanh, Trưởng ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Từ các công tác trên, đến nay trong toàn tỉnh đã tiếp nhận nhiều nguồn tin về 9 ngôi mộ ngoài nghĩa trang nghi là mộ liệt sĩ. Trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tiếp nhận thông tin từ nhân dân để xây dựng bản đồ, sau đó sẽ xin chủ trương thực hiện các bước tiếp theo.

Những cơn mưa tháng 7 dường như làm câu chuyện và hình ảnh các cán bộ Ðội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) dãi nắng dầm mưa, len rừng vượt suối càng in đậm và để lại ấn tượng đặc biệt trong tâm trí chúng tôi. Tri ân, tưởng nhớ cống hiến, hi sinh của các liệt sĩ năm xưa, chúng tôi cũng thật sự cảm phục, trân trọng những người lính làm công tác thiêng liêng, ý nghĩa này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top