Những vấn đề đặt ra khi tinh giản bộ máy cán bộ cấp xã ở Nậm Pồ

08:29 - Thứ Hai, 05/08/2019 Lượt xem: 13400 In bài viết

ĐBP - Nghị định 34/2019/NÐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được ban hành ngày 24/4/2019 có hiệu lực từ ngày 25/6/2019. Với rất nhiều quy định mới, liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức cấp xã, mà trong đó đáng chú ý nhất là những quy định về việc bố trí, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy cán bộ, công chức cấp xã đặt ra nhiều vấn đề mới ở mỗi địa phương khác nhau.

 

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hải Yến

Cụ thể, theo quy định này thì sẽ thực hiện giảm mức tối đa từ 25 xuống còn 23 biên chế đối với xã loại 1, từ 23 xuống còn 21 biên chế xã loại 2 và từ 21 xống 19 đối với xã loại 3. Ðiều này cũng có nghĩa nếu các xã đang có số cán bộ, công chức xã vượt mức thì buộc phải thực hiện tinh giản biên chế. Nói thì đơn giản, song “tinh” thế nào, “giản” ra sao để đảm bảo đầy đủ các yếu tố vừa gọn nhẹ, khoa học, lại vẫn phát huy tốt hiệu quả công việc là vấn đề khiến các địa phương phải cân nhắc kỹ.

Là xã điểm được huyện Nậm Pồ lựa chọn thực hiện sắp xếp bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, hiện nay Nà Khoa đang triển khai mô hình Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Trao đổi về vấn đề này, ông Thùng Văn Quân, Bí thư Ðảng ủy xã Nà Khoa cho biết: Ngay từ đầu năm, xã đã xác định và có sự chuẩn bị chu đáo về nhân sự. Vì cả 2 vị trí đều có vai trò hết sức quan trọng nên xã cân nhắc rất kỹ về con người, trước tiên phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí cứng về trình độ học vấn, lý luận chính trị, năng lực chuyên môn... đặc biệt phải là người thật sự nhiệt tình và có trách nhiệm. Trong số các gương mặt tiêu biểu của xã, chúng tôi chọn đồng chí Khoàng Văn Hùng. Ðây vừa là cán bộ trẻ, có nhiệt huyết, sáng tạo và năng động, song lại vừa đảm bảo về năng lực, trình độ khi có hơn 10 năm kinh nghiệm đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của xã. Chính vì vậy chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi giao nhiệm vụ và sau mấy tháng thử thách vừa qua, đồng chí đã và đang phát huy tốt vai trò của mình.

Liên quan đến việc sắp xếp bố trí lại bộ máy cán bộ, công chức xã theo Nghị định 34 mới, ông Thùng Văn Quân cho biết thêm: Hiện nay, toàn xã Nà Khoa có 20 cán bộ, công chức. Ngoài chức danh Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ thì hiện nay xã chưa bố trí được vị trí nào khác. Lý do là địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc lớn, trong khi đó, thời gian vừa qua đội ngũ cán bộ bán chuyên trách nghỉ khá nhiều sau khi có thông báo của Phòng Nội vụ huyện về việc tinh giản biên chế. Ðể thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì rất khó bố trí sắp xếp kiêm nhiệm thêm ở các vị trí khác. Trước mắt, địa phương mới đang cố gắng làm sao để “chuyên nghiệp hóa” đội ngũ cán bộ, công chức hiện có để sẵn sàng đảm nhiệm thêm khối lượng công việc mà trước nay lực lượng bán chuyên trách thực hiện.

Cùng quan điểm này với xã Nà Khoa, ông Lò Văn Khan, Bí thư Ðảng ủy xã Nà Hỳ cũng cho rằng: Việc bố trí sắp xếp các vị trí kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức xã để tinh giản biên chế ngay trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Ban lãnh đạo xã đã có nhiều cuộc họp bàn, song chưa thống nhất được phương án nào cụ thể. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của quy định mới, xã đã nghiên cứu sắp xếp và cân đối lại một số vị trí cho phù hợp. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ của văn phòng Ðảng ủy xã là cán bộ lao động, thương binh và xã hội kiêm nhiệm. Mọi thủ tục, giấy tờ chuyên môn đều do các đồng chí thường trực trực tiếp giải quyết, cán bộ kiêm nhiệm chỉ giúp việc văn thư hoặc soạn thảo các văn bản hành chính đơn giản. Do vậy, tiến độ và hiệu quả công việc không bị ảnh hưởng, do trách nhiệm của mỗi cán bộ tăng thêm.

Theo quan điểm của ông Lò Văn Khan thì việc bố trí cho nghỉ đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách và một số vị trí đoàn thể cấp thôn, bản không phải vấn đề đáng lo ngại, có thể triển khai thực hiện ngay. Bởi theo lý giải, thì trước nay do chế độ phụ cấp thấp nên chỉ khi thực sự có việc cần ở cơ sở thì địa phương mới gọi đến đội ngũ bán chuyên trách; phần lớn đầu mối công việc ở cơ sở đều được trao đổi trực tiếp thông qua trưởng bản. Chính vì vậy, khi thực hiện tinh giản các vị trí này, thì chỉ cần củng cố lại, nâng cao năng lực và phát huy tốt hiệu quả của các trưởng bản là hoàn toàn có thể yên tâm. Thực tế là, trước đây xã Nà Hỳ có đến hơn 30 người thực hiện nhiệm vụ bán chuyên trách, đến nay chỉ còn 20 người song mọi công việc không có xáo trộn nhiều.

Theo Ðề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, đến năm 2021 Nậm Pồ được giao tinh giản 202 biên chế. Trong điều kiện đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đội ngũ cán bộ ở cấp xã, huyện đã rất nỗ lực để cân đối bố trí, sắp xếp lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của cơ quan chuyên môn địa phương thì huyện mới chỉ tinh giản được 20 người (đạt gần 10% kế hoạch giao), trong đó chỉ có 3 người là công chức cấp xã, số còn lại chủ yếu thuộc ngành Giáo dục và Ðào tạo.

Theo ông Lê Ðại Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ thì cái khó nhất của huyện đó là những đặc thù của huyện mới. Ðội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu nên nếu thực hiện tinh giản nhiều, trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Ðể khắc phục tình trạng này, thời gian qua huyện đã quan tâm chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ nhận thức, chính trị và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã. Trong giai đoạn hiện tại, đối với một số quy định tại Nghị định 34 thì cơ bản huyện có thể đáp ứng. Cụ thể như quy định về giảm bình quân 2 cán bộ, công chức/xã. Ðối với 8 xã biên giới của huyện, theo quy định được bố trí tối đa 25 biên chế, nhưng trên thực tế huyện mới chỉ bố trí 23 biên chế; 7 xã còn lại đều đã có phương án cân đối, sắp xếp bố trí lại. Mặc dù vậy, ông Hải cũng cho rằng, để đảm bảo đúng tinh thần mục đích của việc tinh giản là hướng đến một bộ máy gọn nhẹ, tránh cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, song vẫn phải đảm bảo tốt yêu cầu công việc đặt ra thì cần phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể. Vừa đảm bảo yêu cầu thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ sở, vừa không gây xáo trộn nhiều về tâm lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện ở mọi cấp.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top