Sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố

Còn nhiều việc cần làm

08:57 - Thứ Năm, 08/08/2019 Lượt xem: 14295 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta đang triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở, nảy sinh nhiều khó khăn.

 

Theo Ðề án Sắp xếp, sáp nhập thôn bản của huyện Tủa Chùa, thôn Huổi Lực 1 và Huổi lực 2 sáp nhập thành lập thôn mới Huổi Lực, xã Mường Báng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.813 thôn, bản, đội, tổ dân phố. Hai huyện Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông đã thực hiện sáp nhập, giảm 165 thôn, bản, tổ dân phố. Dự kiến, sắp tới sắp xếp, sáp nhập 241 thôn, bản, đội, tổ dân phố của 8 huyện, thị xã, thành phố còn lại, giảm được 123 thôn, bản, tổ dân phố. Sau khi hoàn thiện đề án, toàn tỉnh có 1.525 thôn, bản, đội, tổ dân phố; giảm 288 đơn vị so với trước khi sáp nhập.

Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc nên việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đạt kết quả chưa cao. Theo quy định tại Khoản 3, Ðiều 3, Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ quy định: “Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định; thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương”. Mặt khác, theo quy định tại Ðiểm d, Khoản 1, Ðiều 7a của Thông tư số 14/2018/TT-BNV: “Ðề án Sáp nhập thôn, tổ dân phố phải được trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành”. Trong quá trình xây dựng đề án, mặc dù cơ quan chức năng cấp huyện đã tích cực tuyên truyền, tổ chức họp dân, nhưng nhiều địa bàn người dân không đồng tình nên không thực hiện được. Ðiển hình là huyện Tuần Giáo có tổng số 237 bản, khối; số thuộc diện phải sắp xếp (dưới 50% tiêu chí) là 123 bản, khối, song mới chỉ sáp nhập được 17 bản để thành lập 9 bản mới, còn 106 bản, khối thuộc diện phải sắp xếp nhưng không thực hiện được.

Nhiều thôn, bản nằm rải rác, cách xa nhau; nhiều thôn, bản gồm nhiều yếu tố dân tộc, lịch sử, văn hóa... cũng là những khó khăn trong thực hiện sáp nhập. Ðây là nguyên nhân khiến một số huyện như: Nậm Pồ có 31 thôn, bản thuộc diện phải sắp xếp nhưng chỉ thực hiện sáp nhập được 14 thôn, bản để thành lập 7 bản mới; huyện Tủa Chùa sáp nhập được 26 thôn, bản, đội để thành lập 13 thôn, bản, đội mới; còn 45 thôn, bản, đội chưa thực hiện được. Ngoài ra, có nhiều thôn, bản, tổ dân phố thuộc vùng quy hoạch thực hiện các dự án nên cũng không thể tiến hành sáp nhập. TP. Ðiện Biên Phủ thực hiện sáp nhập 109 tổ dân phố, bản để thành lập 52 tổ dân phố, bản mới. Trong đó, có 77 tổ dân phố, bản thuộc diện phải sắp xếp (83,7%) và 32 tổ dân phố, bản không thuộc diện sắp xếp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Mặc dù các cơ quan đã rất nỗ lực nhưng đến nay vẫn còn 15 tổ dân phố, bản thuộc diện phải sắp xếp nhưng không thực hiện được. Nguyên nhân là do các tổ dân phố, bản này nằm trong vùng thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Ðặc biệt là các tổ dân phố thuộc phường Him Lam nằm trong vùng dự án đường 60m, trung tâm hành chính của tỉnh, hạ tầng khung; các tổ dân phố bản thuộc phường Thanh Trường thuộc vùng thực hiện các dự án nâng cấp sân bay; khu đô thị Nam Thanh Trường và Dự án Ðường Thanh Minh - Ðộc Lập... Do đó, phường Him Lam chỉ sáp nhập được 11 tổ dân phố và 1 bản để thành lập 5 tổ dân phố, 1 bản mới; phường Thanh Trường chỉ sắp xếp được 4 tổ dân phố thành lập mới 2 tổ dân phố.

Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên chỉ có thực hiện việc chia tách, đây là lần đầu tiên các địa phương thực hiện việc sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố nên quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên, đây không phải là lần sáp nhập duy nhất, trong các giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ có nhiều đợt sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm, xây dựng lộ trình phù hợp để thực hiện tốt việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố trong giai đoạn tới.

Những vấn đề quản lý mới

Vấn đề nhiều người dân bày tỏ lo lắng, băn khoăn là công tác quản lý địa bàn dân cư, bố trí cán bộ làm công tác ở thôn, tổ dân phố, giải pháp giúp người dân thay đổi các thủ tục hành chính... sau khi sáp nhập từ 2, 3 thậm chí 4 tổ dân phố, bản để thành lập 1 bản hoặc tổ dân phố mới.

Ông Nguyễn Tác Ích, Tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Sắp tới phường Thanh Trường sẽ tiến hành sáp nhập tổ dân phố 1 và tổ dân phố 7 để thành lập tổ dân phố 1. Sau khi sáp nhập, tổ dân phố 1 từ 104 hộ tăng lên 164 hộ, từ 547 khẩu lên 760 nhân khẩu, địa bàn được mở rộng gần gấp đôi. Trong khi đó, số lượng cán bộ không chuyên trách cấp thôn, bản, tổ dân phố vẫn giữ nguyên, sắp tới có thể giảm sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh trật tự và khó triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, sau khi sáp nhập, tổ dân phố 1 có 2 nhà văn hóa với tổng diện tích khuôn viên 147,7m2. Do nhà văn hóa thiết kế theo tiêu chí cũ diện tích không đủ lớn để cả tổ dân phố sinh hoạt tập trung. Do đó, nhiều ý kiến người dân thắc mắc có được phép làm thủ tục bán đấu giá 1 nhà văn hóa để đầu tư xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với nhu cầu hay không?

Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho rằng: Việc sáp nhập tổ dân phố nhằm tinh giản số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nâng cao hiệu quả quản lý dân cư theo cơ chế tự quản. Tuy nhiên, khi sáp nhập cần có hướng dẫn, chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân liên quan tới việc thay đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðồng thời, có hướng dẫn cụ thể đối với việc bố trí, lựa chọn, sắp xếp cán bộ hoạt động không chuyên trách của tổ dân phố đáp ứng với tình hình mới.

Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh đã quyết định số lượng chức danh đối với những người không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố theo Nghị định 34/2019/NÐ-CP gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản, tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Như vậy, sau sắp xếp, sáp nhập trách nhiệm, khối lượng công việc của các chức danh không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố tăng lên. Ông Nguyễn Văn Hoa, nguyên Bí thư Chi bộ đội 1, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) băn khoăn: Với khối lượng công việc tại thôn, bản, tổ dân phố lớn như hiện nay thì chỉ với 3 chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản, tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp Nhà nước liệu rằng có quá tải?

Ðến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành Ðề án Sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn; có 2 huyện được HÐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua. Theo lộ trình, thời gian tới UBND tỉnh sẽ trình HÐND tỉnh các đề án của 8 huyện, thị xã, thành phố còn lại. Khi được thông qua, để các đề án tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương cần xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top