Ðổi mới hoạt động giám sát chuyên đề

08:31 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 12718 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các hoạt động giám sát của HÐND các cấp được thực hiện nghiêm túc, theo quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, phản ánh đúng thực tế của tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, đề xuất kiến nghị để các ngành, các cấp có giải pháp khắc phục. Ðể hoạt động giám sát mang lại hiệu quả cao hơn nữa, HÐND các cấp có nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề.

 

Ðoàn giám sát của HÐND tỉnh nắm bắt thông tin thực tế về thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại hộ dân thuộc thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng).

Hoạt động giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của HÐND các cấp, bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Giám sát có nhiều hình thức như: Xem xét báo cáo của UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp; thông qua chất vấn tại kỳ họp; giám sát trực tiếp và giám sát thông qua xem xét các quyết định của cơ quan Nhà nước cùng cấp... Trong đó, giám sát chuyên đề có vị trí rất quan trọng. Ông Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) cho biết: Ðể nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thì cần lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tránh dàn trải. Ðó phải là những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm cũng như những vấn đề lớn có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, đại biểu tham gia giám sát phải là người hiểu biết, nắm rõ những quy định của pháp luật; dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để có những kết luận, kiến nghị đúng, chính xác về vấn đề giám sát. Tiếp đó, đoàn giám sát trực tiếp xuống cơ sở, đơn vị được giám sát để lắng nghe, quan sát thực tế, từ đó có những đánh giá khách quan, cụ thể nhất về vấn đề được đưa ra. Ðồng thời, tại buổi làm việc, cần có sự trao đổi dân chủ, thẳng thắn, cởi mở giữa đoàn giám sát với các cơ quan, đơn vị được giám sát. Các nội dung kiến nghị với cơ quan, đơn vị được giám sát cũng cần cụ thể và có tính khả thi, thiết thực và có thể triển khai thực hiện được. Cụ thể, đầu năm 2019, Ban Văn hóa - Xã hội thực hiện giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2018 - 2019”. Nội dung này được lựa chọn bởi mầm non là cấp học quan trọng cho sự hình thành trí tuệ, nhân cách của học sinh. Qua giám sát, Ban nhận thấy tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, nhất là nhóm trẻ từ 0 - 3 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Thiếu giáo viên mầm non; cơ sở vật chất chưa được đầu tư thỏa đáng; chưa có chế độ ăn trưa cho trẻ dưới 3 tuổi… Trước thực trạng đó, Ban đề xuất HÐND tỉnh kiến nghị với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính 4 nội dung; UBND tỉnh 2 nội dung; các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố 9 nội dung.

Cùng với HÐND tỉnh, HÐND các huyện, thị, thành phố cũng có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Ông Giàng A Dế, Phó Chủ tịch HÐND huyện Tuần Giáo cho biết: Hàng năm, ngay sau khi HÐND huyện ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát, Thường trực, các ban HÐND huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; chú trọng đổi mới từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, khảo sát, triển khai thực hiện đến đề xuất và kiến nghị sau giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn là những vấn đề quan trọng, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề bức xúc nổi cộm, được đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn quan tâm. Như năm 2018, HÐND huyện thực hiện giám sát 2 chuyên đề: Tình hình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” và “Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phân bổ và chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương”. Năm 2019, HÐND huyện tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn huyện. Công tác chuẩn bị của đoàn giám sát cũng cần chuẩn bị kỹ, từ khâu lên kế hoạch đến chuẩn bị đề cương và phải xác định rõ mục đích của cuộc giám sát là gì. Không chỉ vậy, khi tiến hành giám sát, một phần nghe cơ sở báo cáo theo đề cương, nhưng quan trọng nhất phải trao đổi trực tiếp với cơ sở, xem có khó khăn vướng mắc hay không, cần tháo gỡ như thế nào, với những giải pháp gì. Trong quá trình này cần phát huy trí tuệ của các thành viên trong đoàn giám sát. Bởi mỗi người có chức năng nhiệm vụ, sở trường riêng, với những hiểu biết đó, các thành viên có thể trao đổi ngược lại cho cơ sở, chỉ rõ những việc làm được, những việc chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để cơ sở hiểu sâu thêm vấn đề được giám sát.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top