Kiên định và hiện thực “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”

08:42 - Thứ Năm, 29/08/2019 Lượt xem: 17824 In bài viết

ĐBP - Ðộc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. 74 năm qua, dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh hùng hồn với thế giới rằng: “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy…”.

Những năm qua, đồng bào các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đoàn kết một lòng, chung sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðiện Biên ngày càng giàu mạnh. Ảnh: Đức Thành

Thấm thoát đã 74 mùa thu Cách mạng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, 33 năm (1986 - 2019) đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Thành tựu hơn 30 năm qua giúp chúng ta ngày càng nhận thức rõ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, ngày càng thấy rõ tính đúng đắn của công cuộc đổi mới đất nước, một công cuộc đổi mới mang tính tổng thể, sâu sắc và được chuẩn bị hết sức bài bản với những bước đi được tính toán kỹ lưỡng phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam. Ðất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã phát huy sức mạnh tổng hợp là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc được giữ vững; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Thành tựu ấy, không chỉ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia mà mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều ghi nhận qua cuộc sống hằng ngày, qua bộ mặt của các địa phương và cả nước.

Trong giai đoạn tiếp theo chúng ta phải kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu của Ðảng: Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên vị trí hàng đầu; trong đó khẳng định ý chí quyết tâm, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không để đất nước bị động, bất ngờ, không để mất đất, mất đảo, mất dân.

Về đối ngoại, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Ða dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Qua đây cho thấy rằng, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam là một quốc gia đa dạng văn hóa, rộng mở, bao dung, truyền thống này rất thích hợp với yêu cầu hội nhập của xã hội hiện đại.

74 năm qua, chân lí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập là biểu hiện cao nhất trong tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lí bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Cụm từ  “độc lập, tự do” có nội hàm giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Nó không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân; nó không chỉ được thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn thể hiện sâu đậm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người, mà hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”... Có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh”, một quan niệm về chủ nghĩa xã hội phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam và hợp với xu thế của thời đại ngày nay.

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay, thực hiện tư tưởng của Người, cách mạng Việt Nam đi theo đường lối độc lập, tự chủ thì chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế phải lấy sức mạnh bên trong làm điểm tựa, “tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”; “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ... Những thành công trong hợp tác quốc tế đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ðại hội XII đã xác định “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, hội nhập quốc tế đạt được những kết quả nổi bật như: Góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Giữ vững môi trường chính trị xã hội ổn định và quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Ðây là thành tựu rất quan trọng, mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước. Với sự ổn định về chính trị, những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... của đất nước và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể khẳng định rằng: Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sự kiên định và sáng tạo của Ðảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Giành độc lập đã khó, giữ gìn độc lập còn khó hơn nhiều”. Muốn có độc lập - tự do lâu dài thì phải lao động quên mình để đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống phá cách mạng nước ta trên các mặt: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: tội phạm xuyên quốc gia, các thảm họa thiên tai, môi trường… Ðiều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải thật sự thấm nhuần bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thời cơ đan xen thách thức, bánh xe lịch sử vẫn đang xoay tiếp những vòng đi tới. Hơn bao giờ hết, chân lí “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội’ mãi mãi thôi thúc tinh thần dân tộc, tinh thần vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho mỗi người dân Việt Nam khi những cơn sóng dữ đang hình thành trên vùng chủ quyền biển Ðông của Việt Nam.

Nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2019), mỗi người dân Việt Nam lại thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, tự do, độc lập và sự bình yên, phát triển của cuộc sống hôm nay; càng thêm tin vào Ðảng Cộng sản Việt Nam và kiên định chân lí: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Nguyễn Văn Thanh
Bình luận
Back To Top