Những dấu mốc làm nên sự kiện 2/9/1945

08:46 - Thứ Năm, 29/08/2019 Lượt xem: 14235 In bài viết

ĐBP - Ngày 2/9/1945 đã trở thành mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử trước hàng chục vạn đồng bào đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn Ðộc lập chứa đựng những nội dung to lớn, khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam với ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Không chỉ có sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, Tuyên ngôn Ðộc lập còn là văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của đất nước, với lập luận chặt chẽ, xúc tích, giọng văn sắc bén, hùng hồn. Bản Tuyên ngôn Ðộc lập đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của đất nước Việt Nam trước toàn thể thế giới, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc ta.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập. Ảnh tư liệu

Xin điểm lại một số dấu mốc quan trọng góp phần làm nên sự kiện ngày 2/9 vẻ vang đó:

1. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 - 15/8/1945 đã kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Ðông Dương đã chín muồi”, Việt Nam phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

2. Mặt trận Việt Minh triệu tập Ðại hội Quốc dân ở Tân Trào vào ngày 16/8/1945, quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Ðảng; Thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca. Ðặt tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

3. Trong chiều 16/8/1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám.

4. Ngày 17/8/1945, tại Hà Nội, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố với hàng vạn người tham gia, để ủng hộ Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội trong bầu không khí sôi sục, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã biến cuộc mít tinh đó thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh này.

5. Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.

6. Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành Hà Nội với các vũ khí thô sơ tiến về Quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh và nhiều cơ sở khác... Cả Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Cách mạng thành công muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… chính quyền cách mạng đã hoàn toàn về tay nhân dân.

7. Sáng ngày 20/8/1945, tại Vườn hoa Con Cóc (Vườn hoa Diên Hồng), Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ ra mắt trong niềm hân hoan vui sướng của nhân dân Hà Nội. Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về Hà Nội chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và đi đến thắng lợi hoàn toàn.

8. Ngày 20 - 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa tiếp tục giành thắng lợi ở nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Nam Ðịnh, Nghệ An, Ninh Thuận... Ngày 25/8/1945, lực lượng cách mạng làm chủ hoàn toàn Sài Gòn. Khởi nghĩa kết thúc bằng cuộc biểu tình của hàng triệu quần chúng chào mừng Lễ ra mắt của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm chủ tịch.

9. Chiều 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn hàng vạn nhân dân cố đô Huế trong màu cờ đỏ sao vàng đã chứng kiến Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Ðại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.

10. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn Ðộc lập”, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời. Bản tuyên ngôn khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

B.N (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top