Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh):

Giám sát tình hình thực hiện mục tiêu và chất lượng nước sinh hoạt tại Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn và Sở Y tế

17:04 - Thứ Hai, 09/09/2019 Lượt xem: 13059 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát tình hình thực hiện mục tiêu và chất lượng nước sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020, ngày 9/9, đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) do đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn và Sở Y tế.

Đồng chí Nhữ Văn Quảng, trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay toàn tỉnh có 421.885 người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 81,97%. Toàn tỉnh có 163 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững trong tổng số 1.027 công trình (đạt 15,87%). Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã và đang thực hiện nhiệm vụ Văn phòng chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra vay vốn Ngân hàng Thế giới tại 2 điểm bản: Tàng Phon và Huổi Lắp (xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé), Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện, chương trình khí sinh học và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nước sạch nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 392/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh, Sở Y tế có trách nhiệm xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát định kỳ được giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế cấp huyện phần lớn chưa có điều kiện về cơ sở vật chất và công nghệ để thực hiện. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC về các chỉ tiêu nước được xét nghiệm. Song Trung tâm chỉ mới thực hiện xét nghiệm được 29/109 chỉ tiêu cơ bản (về chất lượng nước ăn uống); 14/14 chỉ tiêu về chất lượng nước sinh hoạt. Còn một số kim loại nặng chưa được đầu tư thiết bị để xét nghiệm chất lượng nước ăn uống, thực phẩm và các mẫu nước thải. Công tác xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt hàng năm gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, hiện nay phần kinh phí được cấp quá nhỏ so với quy định và nhu cầu xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt; giám sát chất lượng nước trường học chưa thể triển khai do không được cấp kinh phí thực hiện.

Đoàn giám sát đề nghị Trung tâm cần tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nước sạch nông thôn, nhất là hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, các thôn bản thành lập tổ quản lý vận hành công trình và thường xuyên duy tu bảo dưỡng công trình cấp nước; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh về việc thu phí nước sinh hoạt tại các công trình cấp nước tập trung nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, vận hành công trình. Đối với Sở Y tế, cần thống nhất nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã về việc kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt; tăng cường công bố các chỉ số đánh giá chất lượng nước sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân yên tâm sử dụng nước; tuyên truyền cho người dân phân biệt rõ giữa nước sinh hoạt hợp vệ sinh với nước sạch; đề nghị Sở Tài chính phân bổ thêm kinh phí để phục vụ công tác xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top