Hướng tới chính quyền phục vụ

08:35 - Thứ Năm, 12/09/2019 Lượt xem: 12804 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp đã được thể hiện rõ nét qua những quyết sách, hành động cụ thể, thiết thực của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cùng chính quyền các cấp. Bên cạnh các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh như: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… được triển khai một cách đồng bộ, thì định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần tổ chức sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công trình Thủy điện Nậm Núa, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) do Công ty Cổ phần Ðầu tư Tài nguyên và Năng lượng Ðiện Biên đầu tư xây dựng.

Xác định Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong mọi hoạt động, nhất là tham mưu, đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; mở rộng hợp tác với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Ðể thực hiện quy chế hiệu quả, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp thu, chủ động xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; định kỳ hàng tháng báo cáo chi tiết tình hình tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; đối với những kiến nghị còn tồn đọng phải báo cáo chi tiết phương án xử lý.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thông qua các buổi họp định kỳ hàng tháng, nhiều nội dung đã được giải quyết dứt điểm, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất thuận lợi. Ðơn cử khi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phản ánh về vấn đề các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất, mặt bằng kinh doanh thương mại tại trung tâm các huyện, thị, thành phố, UBND tỉnh đã trả lời: Theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013 đối với trường hợp tổ chức kinh tế sử dụng đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, công ty, doanh nghiệp được phép thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện các dự án; mặt khác việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (đối với khu đất đã giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên việc xác định quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng để cho nhà đầu tư thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn do tỉnh chưa chủ động nguồn kinh phí để giải phóng, bố trí mặt bằng sạch. Ðể đảm bảo việc đầu tư, kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tìm quỹ đất để đầu tư phát triển kinh doanh thông qua việc nhận chuyển nhượng đất của các hộ gia đình, cá nhân tại trung tâm thị trấn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Hay đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã nhận chuyển nhượng 7 lô đất tại các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, TX. Mường Lay, Mường Nhé là đất ở lâu dài và muốn chuyển sang hình thức là đất thương mại dịch vụ để xây dựng thành trụ sở. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp với Viettel Ðiện Biên đi thực địa tại tất cả các vị trí đất của Viettel; đã thống nhất với UBND các huyện, thị xã về nội dung yêu cầu Viettel là chuyển mục đích sử dụng từ đất ở sang đất kinh doanh dịch vụ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất năm 2019 cấp huyện, đề nghị các huyện, thị xã bổ sung vị trí, dự án của Viettel Ðiện Biên vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện. Trên cơ sở đó, Viettel Ðiện Biên chủ động làm việc với các huyện, thị xã để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết từ đất ở sang đất kinh doanh dịch vụ, đồng thời hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư xây dựng trụ sở, cửa hàng, trung tâm kinh doanh dịch vụ Viettel theo quy định gửi sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Ngoài ra còn nhiều kiến nghị khác của các doanh nghiệp đã được tỉnh giải quyết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như: Kiến nghị của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Ðiện Biên về việc khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm giao mặt bằng sạch của Dự án Nhà máy xử lý rác thải Ðiện Biên và Dự án Hỗ trợ xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại bãi Púng Min, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên); đồng thời nhanh chóng triển khai các dự án hỗ trợ, đầu tư ngoài hàng rào. Kiến nghị của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên về việc thống nhất công thức giá bình quân mủ cao su; triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động; hoàn thiện thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của công ty và người dân góp đất với công ty… đều được tỉnh xem xét, giải quyết.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thủy điện… Ðiển hình, năm 2018 tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; 7 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 114,8 tỷ đồng. Ðến nay trên địa bàn tỉnh đã có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Ðặc biệt, đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH, Vietjet Air... quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top