Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” xây dựng quê hương giàu đẹp

08:15 - Thứ Tư, 02/10/2019 Lượt xem: 13159 In bài viết

Trần Văn Sơn

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh

ĐBP - Những năm qua, cùng với cựu chiến binh cả nước, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh Ðiện Biên luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu”, góp phần cùng Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; xứng đáng là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị, được các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh ghi nhận.

Chú trọng nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng, bảo vệ Ðảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức hội CCB đã thành lập 3 cụm thi đua trên 11 huyện, thị, thành phố và Dân chính Ðảng. Tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh và không ngừng được mở rộng ở 10 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có 177 cơ sở hội, 1.635 chi hội, 100 câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân với tổng số 17.734 hội viên (5 năm kết nạp mới được 2.386 hội viên), trong đó: 4.784 hội viên là đảng viên, 1.176 hội viên được bầu vào cấp ủy các cấp, 670 hội viên tham gia HÐND các cấp. Ðây là những nhân tố quan trọng, phát huy sức sáng tạo của cựu chiến binh trong công cuộc đổi mới, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền ở địa phương.

Các cấp hội tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; chủ động phối hợp tham mưu và trực tiếp tham gia có hiệu quả trong đấu tranh, giải quyết những vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc trên địa bàn; coi trọng công tác phòng, chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.

Trong phong trào thi đua CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã tập trung động viên hội viên CCB nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh. Ðã có nhiều CCB mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tín chấp vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bằng ý chí tự lực, tự cường, kiên trì bền bỉ, tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng với tinh thần đoàn kết, tình đồng chí, đồng đội giúp đỡ lẫn nhau, các hội viên đã có những thành công nhất định. Xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế được nhân dân ghi nhận, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Toàn hội hiện có 42 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 662 mô hình trang trại, gia trại và kinh doanh tổng hợp do hội viên CCB làm chủ, thu nhập lãi từ 200 đến 500 triệu đồng/năm trở lên và hàng ngàn hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi. Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, tạo doanh thu và giải quyết việc làm cho người lao động; một số doanh nghiệp có thu nhập khá và tương đối ổn định, có đóng góp đáng kể cho nguồn thu của tỉnh. Hội đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp nhận ủy thác vay vốn xóa đói, giảm nghèo với số vốn vay trên 558.739 tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho hội viên sản xuất hiệu quả, qua đó giúp 350 hộ CCB thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Hội xuống còn 10%, nâng hộ khá lên 42%. Nhiều hội cơ sở có 100% gia đình hội viên thoát nghèo.

Các cấp hội đã phát huy phẩm chất, kinh nghiệm và uy tín của “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa - xã hội, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội viên CCB các cấp trong tỉnh đã gương mẫu đi đầu hiến trên 30.000m2 đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, làm đường dân sinh... Ðiển hình là huyện Ðiện Biên Ðông 15.500m2, huyện Tủa Chùa 7.000m2, huyện Ðiện Biên 4.000m2, huyện Mường Ảng 2.000m2 và hàng ngàn ngày công lao động của các hội viên. Các hoạt động ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ xóa nhà dột nát”, làm nhà tình nghĩa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp đỡ CCB nghèo, xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội”... được hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực. Hội đã vận động các hội viên và tranh thủ sự giúp đỡ của các tỉnh bạn và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức làm 75 nhà đại đoàn kết cho CCB nghèo với trị giá trên 2,2 tỷ đồng.

Với trách nhiệm và tình cảm của thế hệ đi trước, Hội CCB luôn tích cực, chủ động cùng Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh làm tốt việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, xây dựng lý tưởng, hoài bão và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, đồng thời luôn thể hiện vai trò gương mẫu của cựu chiến binh đối với tuổi trẻ. Các cấp hội tích cực phối hợp, động viên thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự; tham gia quản lý, giáo dục thanh - thiếu niên tại địa phương,... góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hội đối với thế hệ trẻ.

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì hình thức hoạt động của Hội chưa thật sự phong phú; chất lượng hoạt động của một số cơ sở hội chưa cao, còn mang tính hành chính; chưa phát huy hết tiềm năng và sức mạnh tổng hợp của Hội trong việc tham gia các nhiệm vụ ở địa phương. Phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” trong các cấp hội phát triển chưa đồng đều và liên tục, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, động viên mọi hội viên tham gia; công tác giảm nghèo trong CCB chưa bền vững; chậm phát huy và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến.

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục đưa phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” trong các cấp hội phát triển mạnh mẽ, Hội CCB các cấp trong tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho các cán bộ, hội viên nắm vững đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Vận động hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” trong các cấp hội để phong trào tiếp tục phát triển mạnh mẽ sâu rộng và đều khắp. Trọng tâm là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 66-KL/TW, ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác CCB; gắn thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” với đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức hoạt động, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và hội viên, coi đây là khâu đột phá, khắc phục tính hành chính và hình thức; đi sâu vào từng đối tượng, từng thế hệ, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức các phong trào thi đua của Hội gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, gương mẫu trong ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất; phát triển các ngành nghề nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh.

Ba là, tiếp tục triển khai tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có kiến thức kinh nghiệm phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa trong cựu chiến binh, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tập trung hỗ trợ, động viên các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, nhất là khu vực vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, chủ động nắm tình hình, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, đảm bảo an ninh nông thôn, đưa hoạt động của tổ chức Hội vào nền nếp, chất lượng. Chủ động phối hợp với Ðoàn thanh niên đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Năm là, tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội đặc biệt ở các xã vùng cao, biên giới; chú trọng công tác kết nạp hội viên mới, thu hút hội viên tham gia các hoạt động của tổ chức Hội. Làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác phối hợp hoạt động giữa Hội Cựu chiến binh và Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh.

Bình luận
Back To Top