Thôn, bản, tổ dân phố: “Cánh tay” nối dài của chính quyền cơ sở với nhân dân

08:46 - Thứ Sáu, 04/10/2019 Lượt xem: 13946 In bài viết

ĐBP - Thôn, bản, tổ dân phố được xem là “hệ thống chính trị” thu nhỏ trong cộng đồng dân cư; là “cánh tay” nối dài của chính quyền với nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nhờ cán bộ bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; người dân bản Xôm (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) tích cực tham gia làm đường giao thông bản, xây dựng nông thôn mới.

Trở lại bản Xôm, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) dịp cuối tháng 9, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bản vốn còn nhiều khó khăn này. Ðường nông thôn nối từ quốc lộ 6 vào bản dài gần 1km được bê tông rộng rãi vừa mới đưa vào sử dụng nhờ sự chung sức góp công của bà con trong bản theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Anh Tòng Văn Hoài, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Xôm cho biết: Khơi dậy sức mạnh tổng hợp trong cộng đồng dân cư, nhất là chú trọng đến vai trò nêu gương của đảng viên nên không chỉ trong làm đường giao thông mà trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đều được người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Ngay như khi làm tuyến đường giao thông nông thôn này, đã có 4 hộ tự nguyện hiến đất làm đường. Vì thế mà tiến độ thi công thuận lợi và hoàn thành sớm hơn so với dự kiến. Cuộc sống của 112 hộ dân trong bản ngày càng được cải thiện, khấm khá hơn. Các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện được tuyên truyền, phổ biến kịp thời tới đảng viên, nhân dân để bà con hiểu và thực hiện. Ðặc biệt, nhờ làm tốt công tác huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, thêm nhiều tuyến kênh mương được cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng xã Quài Tở phấn đấu hoàn thành về đích nông thôn mới trong thời gian tới.

Còn với đồng bào Mông ở bản Sa Lông 1 (xã Sa Lông, huyện Mường Chà) dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn song 147 hộ trong bản đều thực hiện đúng chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có cán bộ bản nhiệt tình, trách nhiệm nên bà con khi chưa rõ về chính sách, chế độ đều được giải thích cụ thể, tận tình và hướng dẫn thực hiện. Anh Chớ A Chu, Trưởng bản Sa Lông 1 cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo ở bản tuy còn cao, song khi được tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của cấp trên bà con đều nhiệt tình tham gia. Cụ thể như việc bà con cùng bỏ công, góp sức sửa chữa, dựng nhà cho các hộ khó khăn; tham gia phát dọn, sửa đường giao thông thôn bản; tham gia tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng… Ông Chớ Chừ Hồ, người dân bản Sa Lông 1 cho biết: Trước đây, đời sống gia đình tôi khó khăn, thiếu đói quanh năm. Ðược cán bộ bản tư vấn, đưa tôi và một số hộ có diện tích mặt nước đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá ở các xã, bản lân cận. Nhờ đó chúng tôi quyết tâm cải tạo ao, nuôi thả cá nâng cao thu nhập và đã thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Cán bộ bản cũng là người tuyên truyền, vận động các hộ trong bản xây dựng nông thôn mới; hòa giải các mâu thuẫn về tranh chấp đất nương sản xuất, mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ; xoa dịu căng thẳng giữa một số nhóm hộ dân bất đồng quan điểm, lối sống… Qua đó thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lò Văn Mừng khẳng định: Các thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp trên mỗi địa bàn dân cư. Song trên thực tế còn nhiều thôn, bản, tổ dân phố có số hộ ít ảnh hưởng đến quá trình huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu dân cư. Do đó việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố vừa nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

Ðược biết, toàn tỉnh hiện có 1.813 thôn, bản, đội, tổ dân phố. Tỉnh đang thực hiện sắp xếp 570 thôn, bản, tổ dân phố; sau khi hoàn thành sẽ giảm 288 thôn, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của thôn, bản, tổ dân phố cùng với việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đảm bảo theo quy định, thì nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho trưởng các thôn, bản, tổ dân phố để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là ở các khu dân cư trình độ dân trí cao. Bởi thực tế ngoài sự tín nhiệm, kinh nghiệm thì khi cán bộ thôn, bản, tổ dân phố được đào tạo bài bản thì việc thực hiện các chỉ tiêu được giao về khu dân cư sẽ đơn giản, thuận lợi hơn. Ðể được như vậy, cần hơn nữa sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho số cán bộ này. Khi có năng lực, uy tín những “cánh tay” nối dài của chính quyền này sẽ là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top