Vẫn khó phát hiện tham nhũng

08:34 - Thứ Hai, 28/10/2019 Lượt xem: 12877 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức, hành động và đạt được những kết quả khả quan, nhất là trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt là công tác phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế.

Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên góp phần hạn chế tham nhũng. Trong ảnh: Ðoàn giám sát của HÐND tỉnh kiểm tra thực địa dự án Ðường Thanh Minh - đồi Ðộc Lập và khu dân cư (đường vành đai phía Bắc) tại bản Co Củ, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Thu Hằng

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCTN. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công khai minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức kê khai tài sản, thu nhập. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được các cấp, ngành quan tâm thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay các cấp, ngành đã tổ chức 13 lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN cho 1.477 cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; 14 cuộc kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan. Trong công tác minh bạch tài sản và thu nhập, 100% cơ quan, đơn vị đã ban hành quyết định và thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập đúng, đủ đối tượng. Theo đó, 55/55 cơ quan, đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập, với 7.138/7.140 người kê khai tài sản thu nhập (2 người chưa kê khai vì có lý do chính đáng); 55/55 cơ quan, đơn vị đã thực hiện công khai bản kê tài sản thu nhập, với 2.822 bản công khai theo hình thức niêm yết, 4.316 bản công khai tại cuộc họp…

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng mới chủ yếu phát hiện các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật chứ chưa phát hiện tham nhũng. Ông Phan Văn Thống, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn ngành đã triển khai thực hiện 59 cuộc thanh tra hành chính và 363 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện vụ việc vi phạm các quy định về PCTN, mà chủ yếu phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật về kinh tế. Qua thanh tra hành chính đã phát hiện 77 đơn vị có sai phạm về kinh tế, với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng và phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 358,5 triệu đồng qua thanh tra chuyên ngành. Ðơn cử tháng 4/2019, Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận thanh tra về một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông, trong đó có nội dung thanh tra về PCTN. Qua thanh tra chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng, chỉ phát hiện một số vi phạm như: Năm 2016, 2017 UBND huyện không ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158/2007/NÐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ; năm 2018 ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác nhưng không cụ thể thời gian thực hiện; một số bản kê khai tài sản thu nhập của cá nhân chưa đầy đủ thông tin, kê khai thiếu nhà ở, quyền sử dụng đất, chưa cụ thể giá trị tài sản và thu nhập gia đình...

Cũng theo ông Phan Văn Thống, để phát hiện và kết luận được một vụ việc vi phạm quy định về PCTN rất khó khăn. Qua thanh tra, kiểm tra có thể phát hiện dấu hiệu tội phạm tham nhũng nhưng để kết luận được tham nhũng thì phải chứng minh được tính vụ lợi của cá nhân, tổ chức đó. Song rất khó để chứng minh được tính vụ lợi do chức năng, thẩm quyền của cơ quan thanh tra còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện, có tổ chức. Thực tế cho thấy, đối với những hành vi tiêu cực (tham nhũng vặt) thì người dân ngại tố cáo, tố giác và nhiều khi có tố giác cũng không đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật. Còn đối với những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng thường mang tính tập thể, có nhiều đối tượng tham gia và quan hệ chặt chẽ với nhau, rất khó phát hiện để tố cáo, tố giác với cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay, qua các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số vụ việc tham nhũng. Ðiển hình, Công an tỉnh đã thụ lý, điều tra 1 vụ, 1 bị can; tài sản thiệt hại 151 triệu đồng. Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đã kiểm sát điều tra 3 vụ, 4 bị can. Tòa án Nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý 3 vụ với 13 bị cáo. Kết quả 2 bị cáo bị xử phạt từ 3 - 7 năm tù và buộc bồi thường, hoàn trả lại số tiền tham ô; 2 bị cáo bị phạt án tù cải tạo không giam giữ; 7 bị cáo áp dụng hình phạt tiền và 1 bị cáo xét xử phúc thẩm đã giảm hình phạt từ 7 năm tù xuống còn 5 năm 6 tháng tù.

Việc phát hiện tham nhũng chỉ là biện pháp trước mắt và xử lý hậu quả, quan trọng nhất vẫn là công tác phòng ngừa. Chính vì vậy, thời gian tới ngành Thanh tra tỉnh xác định tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan đơn vị, tổ chức; xây dựng và ban hành thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn ở các cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top