4 vấn đề lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý

14:50 - Thứ Ba, 05/11/2019 Lượt xem: 11712 In bài viết

Vấn đề quan trọng là phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng. Đây là vấn đề hết sức khó khăn trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, chỉ riêng lực lượng Công an không thể làm được, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Sáng 5-11, sau phiên thảo luận tại Hội trường về Báo cáo về tình hình, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt Chính phủ, Bộ Công an tiếp thu các ý kiến các đại biểu và cho biết, Chính phủ và Bộ Công an đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực, góp phần tạo ra môi trường an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 “Chúng tôi cũng thấy rằng thành tích điều tra, khám phá các vụ án, chuyên án là rất nổi bật. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng. Đây là vấn đề hết sức khó khăn trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, chỉ riêng lực lượng Công an không thể làm được, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Đây là vấn đề Chính phủ và Bộ Công an cũng đang rất quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn hiện nay” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu một số loại tội phạm đang gây bức xúc trong nhân dân hiện nay là tội phạm ma tuý, giết người, đưa người ra nước ngoài trái phép, tín dụng đen…

4 vấn đề thách thức trong đấu tranh với tội phạm ma tuý

Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì Bô Công an luôn xác định tội phạm ma tuý là tội phạm của các loại  tội phạm nên đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đấu tranh với tội phạm này.

 “Về việc cử tri lo lắng về việc Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma tuý. Đây là lo lắng chính đáng nhưng qua các vụ án mà lực lượng Công an đã đấu tranh cho thấy, các đường đây ma tuý, đối tượng mà chúng ta đã đấu tranh, bắt giữ phần lớn  vận chuyển chuyến đầu tiên, mới bắt đầu sản xuất ma tuý…đã bị bắt. Điều đó cho thấy, thế trận nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống ma tuý đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài sự chủ động của lực lượng CAND còn có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý"

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn trong đấu tranh phòng chống ma tuý. Đó là áp lực về tội phạm ma tuý từ bên ngoài rất lớn, trong khi đó Việt Nam có đường biên giới dài gồm đường bộ, đường biển, đường không…; số người nghiện ma tuý trong nước tiếp tục gia tăng, con số thực tế còn lớn hơn nhiều so với số thống kê những người nghiện có hồ sơ kiểm soát, công tác cai nghiện chưa hiệu quả và còn nhiều khó khăn, số người nghiện ma tuý hiện đang tạo thành vấn đề xã hội rất lớn, là nguyên nhân của nhiều tội phạm khác.

“Giải quyết được vấn đề người nghiện là 1 trong những thách thức lớn nhất để giảm tội phạm ma tuý hiện nay. Còn người nghiện thì còn người sản xuất, buôn bán ma tuý, đây là vấn đề siêu lợi nhuận” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đồng thời cho biết, có nhiều vấn đề thủ tuc pháp luật được đặt ra nhưng chậm giải quyết như vấn đề đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung, vấn đề giám định hàm lượng các chất ma tuý, vấn đề hướng dẫn áp dụng 1 số điều luật về tội phạm ma tuý… đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống ma tuý trên thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, nên nguồn lực cho công tác phòng chống ma tuý dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng chưa tương xứng với tình hình phức tạp hiện nay. Lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma tuý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vừa qua Đảng uỷ Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36 để tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống ma tuý trong tình hình mới. Hiện nay đang xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó, có các giải pháp giải quyết các thách thức nêu trên.

“Bộ Công an rất mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tội phạm ma tuý, nhất là Luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma tuý sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới, góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả phòng chống ma tuý” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

3 nhóm vấn đề còn tồn tại, vướng mắc

Nói về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANQG, TTATXH, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện có 3 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi cộm nhất, đó là những vấn đề tồn tại trong công tác thuộc về ý thức chủ quan của các cơ quan bảo vệ pháp luật  như vấn đề mô hình tổ chức, bố trí lực lượng; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm; tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cá biệt là những trường hợp sai phạm, tiêu cực, bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật của một số ít cán bộ, chiến sỹ...

Nhóm vấn đề thứ hai là khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng hiện nay, mặc dù Quốc hội đã thông qua nhiều Bộ luật, Luật; Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản thực hiện. Nhưng trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề hết sức khó khăn, như vấn đề giám định tài sản; vấn đề định lượng trong các tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015; vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự với các nước... Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, các vi phạm, nhất là vi phạm hành chính vẫn diễn ra phổ biến trên một số lĩnh vực. Đây là những vấn đề rất khó khăn, không thể khắc phục trong một sớm, một chiều, cần phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật, vừa phải tổ chức thực hiện thật tốt mới tạo được một xã hội trật tự, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Nhóm vấn đề thứ ba là những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là nguồn lực về con người; các nguồn lực về cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị phương tiện. Nhiều dự án quan trọng chưa thể triển khai được do khó khăn về kinh phí; nhiều cơ sở giam giữ đã xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu giam giữ nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp...

“Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, có những vấn đề có thể khắc phục được ngay, có những vấn đề cần phải có thời gian lâu dài. Chính phủ và Bộ Công an xin tiếp thu ý kiến của các đồng chí để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top