UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 (lần 1)

19:05 - Thứ Ba, 05/11/2019 Lượt xem: 10307 In bài viết

ĐBP - Trong 2 ngày (5 - 6/11), UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 1) xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào 16 dự thảo tờ trình, báo cáo liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào 8 dự thảo tờ trình do các sở, ngành trình. Góp ý vào Tờ trình về việc ban hành quyết định định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đề nghị cơ quan xây dựng, soạn thảo (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần làm rõ, bổ sung một số nội dung như: Nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương; quy trình, trình tự thủ tục hỗ trợ khi doanh nghiệp đầu tư; bổ sung nội dung, quy chế thực hiện định mức hỗ trợ; việc xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ đi kèm như chính sách tín dụng, đất đai…

Đối với Tờ trình về việc phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 49 dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, có 20 dự án với tổng diện tích 63,15ha rừng phòng hộ, sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp cần chuyển đổi. Các dự án này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng; tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp, các dự án này vẫn thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của HĐND tỉnh. Đại biểu đề nghị làm rõ diện tích rừng tự nhiên của các dự án; rà soát lại dự án đã được HĐND tỉnh quyết định có liên quan đến diện tích rừng; rà soát lại 49 dự án, trong đó xác định rõ đâu là rừng phòng hộ, tự nhiên, rừng sản xuất có nguồn gốc đất tự nhiên, các huyện rà soát lại các dự án liên quan đến đất rừng.

Theo Tờ trình về việc đề nghị sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố thuộc các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên dự kiến sắp xếp, sáp nhập 234 thôn, bản, đội, tổ dân phố để thành lập 116 thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó giảm được 118 thôn, bản, đội, tổ dân phố. Sau khi hoàn thiện đề án, toàn tỉnh có 1.441 thôn, bản, đội, tổ dân phố; giảm 372 thôn, bản, đội, tổ dân phố. Về nội dung này, UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé cần bám sát việc thực hiện Đề án 79 về sắp xếp dân cư; các huyện còn lại cần thực hiện sắp xếp đúng quy định.

Đại biểu nhất trí với dự thảo các Tờ trình về: Phê duyệt báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2018; Ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền tỉnh quản lý…

Kết luận ngày làm việc thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn yêu cầu các cơ quan xây dựng, soạn thảo tờ trình, báo cáo tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các đại biểu để rà soát, chỉnh sửa, hoàn chỉnh báo cáo, tờ trình trình UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất ý kiến đại biểu nhất trí với Tờ trình về bãi bỏ Quyết định 14/2011/QĐ-UBND ngày 19/5/2011 của UBND tỉnh về về phê duyệt mức, thời gian hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 6/5/2015 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung tại Quyết định số 14.

Ngày 6/11, phiên họp tiếp tục thảo luận, góp ý vào các tờ trình còn lại.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top