Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

08:37 - Thứ Tư, 06/11/2019 Lượt xem: 12139 In bài viết

ĐBP - Thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, từ đó xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, thu hút, tập hợp cán bộ, nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Chi bộ bản Yên Sơn, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) họp thống nhất các nội dung trong xây dựng nông thôn mới.

Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai việc tổ chức phong trào. Cấp ủy, chính quyền và các đơn vị lực lượng vũ trang, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực quan tâm lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng nhiều mô hình, điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương.

Ðồng chí Ðỗ Thị Thu Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Hàng năm, ban dân vận các cấp trong tỉnh thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác với chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; không di cư tự do; không tranh chấp đất đai, không tái trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, buôn bán và sử dụng các chất ma tuý; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa; xây dựng các điểm sáng an ninh trật tự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Trên cơ sở đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Qua 10 năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên toàn tỉnh, đã có 1.746 tập thể. 4.717 cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy tác dụng tốt, có sức lan tỏa toàn xã hội, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được đúc rút và nhân rộng, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế. 10 năm qua, toàn tỉnh có 626 tập thể, 1.654 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở lĩnh vực này.

Từ thực tiễn triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; các dự án trọng điểm như di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, Ðề án 79 về sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé; “Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, “Dân vận khéo” với phương thức vận động, tuyên truyền công khai, dân chủ, lấy ý kiến nhân dân, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Phong trào thi đua xây dựng mô hình trang trại tổng hợp; trang trại rừng; trang trại chăn nuôi; trang trại sản xuất và chế biến nông, lâm, thuỷ sản; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất làm đường xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng bản, từng xã.

Qua thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ năm 2016 đến nay, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã vận động nhân dân góp tiền, ngày công lao động, hiến đất xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị gần 80 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng được trên 600 nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố. Riêng từ đầu năm 2019, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 5 tỷ đồng, hiến 2.000m2 đất, góp trên 4.000 ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; gần 1.200 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Ðỗ Thị Thu Thủy, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở một số nơi chưa được quan tâm chú trọng; việc đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức mình trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện phong trào, nhất là ở cơ sở; nội dung, hình thức còn chung chung, chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của đoàn viên, hội viên tham gia…

Ðể phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục phát huy hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, theo đồng chí Ðỗ Thị Thu Thủy, thời gian tới việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới là hết sức quan trọng; bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị -  xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên liên tục, phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ sở… có làm được như vậy thì việc gì cũng thành công.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top