Sửa Luật Giám định tư pháp phục vụ công tác phòng chống tham nhũng

08:19 - Thứ Ba, 19/11/2019 Lượt xem: 10315 In bài viết

Ngày 18/11, Quốc hội nghe và thảo luận về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP) sửa đổi với yêu cầu cấp thiết là nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP và phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Tờ trình của Chính phủ cho biết: Ngày 20/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua hơn 5 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, nhờ đó, thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả; công tác giám định tư pháp có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản, nền nếp, nhất là trong những lĩnh vực có hệ thống tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; công tác giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, tài chính, xây dựng, tài nguyên và môi trường... cũng được tăng cường.

Về cơ bản, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập như chưa có quy định về thời hạn giám định trong trường hợp cần thiết trưng cầu giám định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, Luật Giám định tư pháp hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, còn thiếu quy định về việc xác định nội dung trưng cầu và phối hợp trong thực hiện giám định đối với trường hợp vụ việc cần giám định liên quan đến phạm vi chuyên môn của nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến một số trường hợp nội dung trưng cầu giám định không rõ, ngoài phạm vi chuyên môn của cá nhân, tổ chức được trưng cầu, thiếu cơ chế phối hợp trong trưng cầu, thực hiện giám định đối với những vụ việc cần giám định liên quan đến phạm vi chuyên môn của nhiều cơ quan, dẫn đến lúng túng trong trưng cầu và thực hiện giám định trong một số vụ án lớn, đa lĩnh vực thời gian gần đây;

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp nhận, thực hiện giám định, đặc biệt là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chủ quản trong việc xây dựng, quản lý đội ngũ người giám định ở những nơi không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách chưa được quy định cụ thể, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện, chính sách đối với người giám định theo vụ việc không rõ... dẫn đến đội ngũ người thực hiện giám định còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chậm trễ thực hiện giám định, không được bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực hiện giám định...

Thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thông tin, phối hợp với các cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp trung ương để đánh giá nhu cầu, bảo đảm hiệu quả quản lý công tác giám định tư pháp.

Bên cạnh những hạn chế về mặt thể chế, công tác thi hành pháp luật về giám định tư pháp cũng còn bất cập, trong đó có những vấn đề chủ yếu như: Nhận thức về trách nhiệm đối với công tác giám định tư pháp của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đặc biệt là của người đứng đầu chưa đầy đủ.

Công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp ở một số bộ, ngành chưa được quan tâm; việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý chưa được đề cao, thiếu kiểm tra, giám sát; hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tạo điều kiện đầy đủ để thực hiện giám định.

Những hạn chế trong công tác thi hành pháp luật nêu trên cũng có một phần do Luật năm 2012 chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác giám định tư pháp.

Trước tình hình nêu trên, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tăng cường chất lượng của hoạt động giám định tư pháp nói chung và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, tại các Phiên họp thứ 13, 14 và đặc biệt tại Phiên họp thứ 15 ngày 21/01/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ rõ việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là yêu cầu cấp thiết.

P.V (Theo baochinhphu)
Bình luận
Back To Top