Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chia sẻ rủi ro, chứ không phải “bảo lãnh” cho nhà đầu tư PPP

20:12 - Thứ Ba, 19/11/2019 Lượt xem: 11996 In bài viết

Một nội dung đáng chú ý trong phiên làm việc ngày 19-11 tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV là Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cơ chế chia sẻ rủi ro và kiểm toán đối với các dự án thực hiện theo hình thức này được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến và đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin làm rõ.

Cơ chế chia sẻ rủi ro còn thiếu rõ ràng

Băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro với việc bù trừ 50% doanh thu, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế "lời ăn, lỗ chịu" đúng theo nguyên tắc thị trường. Khi ký kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).

Lo ngại cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đại biểu Đoàn Hà Nội nêu vấn đề: “Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, trọng điểm, Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào, lấy nguồn ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ được xử lý như thế nào?”.

Ngoài ra, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, dự thảo luật chưa đưa ra căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro; chưa xác định được cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án. Quy định này bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán một phần vốn dự án.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên) cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án Luật PPP chưa rõ ràng, có thể dẫn đến không công bằng vì không có căn cứ chia sẻ 50-50 giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong trường hợp hụt thu và tăng thu.

Theo đại biểu, căn cứ xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro phải trên cơ sở đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan tác động, ảnh hưởng đến tăng - giảm nguồn thu của dự án. Trường hợp chia sẻ 50-50 hụt thu giữa Chính phủ và nhà đầu tư chỉ có thể hợp lý do tác động của các nguyên nhân khách quan bất khả kháng như thiên tai.

Đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên).

Đại biểu Đinh Văn Nhã cũng nêu, với trường hợp doanh thu của dự án tăng do các yếu tố khách quan từ nhu cầu thị trường, của sự phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ cân nhắc không nên chia sẻ phần tăng thu, mà có thể điều chỉnh giảm giá phí dịch vụ hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng.

“Trong trường hợp này, Chính phủ cần cân nhắc, không nên chia sẻ "nắm nhỏ, bỏ to" mà cần "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô". Điều này thể hiện bản chất Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong giai đoạn mới”, đại biểu nhấn mạnh.

Trao đổi thêm cuối phiên thảo luận ở nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư các dự án công phải được xác định là trách nhiệm của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội.

“Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta. Đây không phải cơ chế bảo lãnh, mà đây là cơ chế chia sẻ rủi ro", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, mục tiêu của nhà đầu tư là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. 

“Cơ chế này cũng không áp dụng tràn lan, chỉ với số ít dự án đặc biệt quan trọng. Khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

Nên kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP

Về hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn Hải Dương) nêu, nếu quy định như trong dự thảo Luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư; còn toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí thì không được kiểm toán. Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn Hải Dương).

Phân tích thêm, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng cho biết, Nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hoạt động PPP với nhà đầu tư, không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, mà thay vào đó, cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình như thế nào là phù hợp?

Đại biểu nêu thực tế: “Vừa qua, thông qua hoạt động kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông, dự án BOT, giúp giảm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ”.

Cho rằng Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành, đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) trích dẫn quy định tại Điều 4, Điều 5 Luật Đầu tư năm 2019, đầu tư của Nhà nước theo hình thức đối tác công tư là một hình thức của đầu tư công. Do vậy, tài sản hình thành từ dự án này là tài sản công, phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nghĩa là thuộc phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. 

Đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang).

“Tôi cho rằng, việc quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP, bao gồm cả vốn không phải do Nhà nước đầu tư và dự án PPP, sẽ giúp Nhà nước có thêm kênh giám sát đầu tư theo hình thức này hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân, công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện một cách minh bạch và đúng pháp luật”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình), Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn bộ dự án PPP. Việc Kiểm toán Nhà nước đồng hành cùng Nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh thay vì kiểm toán khi dự án đã hoàn thành, khi đó, các sai sót nếu có sẽ khó khắc phục hơn.

“Theo kinh nghiệm quốc tế thì nội dung của hợp đồng phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán Nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm cuối phiên thảo luận.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện dự thảo Luật để tiếp tục gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu. Dự án Luật này sẽ được xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Cũng trong phiên làm việc hôm nay, các đại biểu đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top