“Mô hình chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn hoạt động chưa như kỳ vọng”

09:14 - Thứ Năm, 28/11/2019 Lượt xem: 15139 In bài viết

ĐBP - Ðó là nhận xét của đồng chí Văn Hữu Bằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy về hoạt động của mô hình chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay. 

Lực lượng vũ trang xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) - 1 trong 15 xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Ảnh: Đức Hạnh (Bộ CHQS tỉnh)

Thực hiện Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW ngày 19/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương về thành lập CBQS xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 259-TB/TU ngày 21/8/2012 về việc thành lập thí điểm CBQS xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện, thành phố, thị xã lựa chọn thành lập thí điểm từ 1 - 2 CBQS xã, phường, thị trấn. Ðến đầu năm 2013, toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 17 CBQS xã, phường, thị trấn. Trong đó, TX. Mường Lay thành lập 1 chi bộ, TP. Ðiện Biên Phủ và 7 huyện còn lại (thời điểm ấy huyện Nậm Pồ chưa được chia tách, thành lập) mỗi địa bàn thành lập thí điểm 2 chi bộ; tổng số đảng viên thuộc các CBQS được thành lập thí điểm là 139 đồng chí. Tại những Ðảng bộ cơ sở thành lập CBQS, đồng chí Bí thư Ðảng ủy được bố trí là bí thư chi bộ. Ðối tượng lãnh đạo của chi bộ quân sự là ban chỉ huy quân sự cấp xã, trung đội dân quân cơ động, tiểu đội dân quân và đơn vị dự bị động viên. Chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn được thành lập có mục tiêu: Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc; lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân có số lượng và cơ cấu hợp lý, thường xuyên phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Sau 7 năm được thành lập và đi vào hoạt động, mô hình CBQS xã, phường, thị trấn đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận như: Hoạt động của một số chi bộ đã nâng cao được vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương; cơ bản đều lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu về tuyển quân, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân; diễn tập, hội thi, hội thao; phòng, chống thiên tai, tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, hoạt động của hầu hết các CBQS xã, phường, thị trấn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng; một số chi bộ hoạt động cầm chừng, vai trò lãnh đạo không thể hiện rõ.

Khảo sát tại địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và một số huyện, tình trạng chung là hoạt động của các CBQS chưa hiệu quả do nhiều vướng mắc, chồng chéo trong quy định. Có thể thấy một số bất cập điển hình như: Tại 100% CBQS cấp xã, bí thư đảng ủy xã kiêm nhiệm bí thư CBQS. Trong quá trình vận hành, bí thư CBQS (bí thư đảng ủy xã) phải thường xuyên báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với chủ tịch UBND xã - là người chịu trách nhiệm về công tác quân sự quốc phòng địa phương; sau khi nắm bắt tình hình quân sự quốc phòng địa phương, chủ tịch UBND xã tổng hợp, báo cáo bí thư đảng ủy xã (cũng là bí thư CBQS). Ðây được xem là điểm chồng chéo, bất cập lớn nhất trong quá trình hoạt động của chi bộ quân sự cấp xã. Bên cạnh đó, công tác quân sự nói chung đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đảng ủy cấp xã, các công việc thường xuyên do UBND điều hành nên vai trò lãnh đạo của chi bộ quân sự rất mờ nhạt. Chủ tịch UBND cấp xã với vai trò là chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự, người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả công tác quân sự, quốc phòng ở cơ sở nhưng theo hướng dẫn lại không tham gia sinh hoạt tại chi bộ quân sự. Như vậy rất khó nắm bắt, tham mưu, đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Ngoài ra, vì không có lực lượng dân quân thường trực nên việc phát triển đảng viên tại những chi bộ quân sự rất khó khăn. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ: Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 15 CBQS xã, phường, thị  trấn với tổng số 95 đảng viên;  giảm 2 chi bộ và 38 đảng viên so với năm 2013. Việc tổ chức sinh hoạt ở những CBQS có nhiều hạn chế lúng túng về nội dung sinh hoạt. Mặt khác, bí thư và phó bí thư chi bộ hiện là cấp ủy xã, trong khi đảng viên làm công tác quân sự, dân quân nhưng lại chủ yếu sinh hoạt, lao động sản xuất tại nơi cư trú. Thực tế này còn ảnh hưởng đến việc bình xét, xếp loại đảng viên hàng năm thiếu khách quan không toàn diện bởi việc phân loại chất lượng đảng viên chỉ đánh giá về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong khi phần lớn thời gian đảng viên lại thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn dân cư.

Từ những bất cập, hạn chế nảy sinh trong quá trình hoạt động đã dẫn đến vai trò lãnh đạo của các CBQS xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không rõ. Hiện nay, một số cấp uỷ cơ sở đề xuất, kiến nghị với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho giải thể CBQS cấp xã. Tuy nhiên, trong thời gian chờ quyết định giải thể hay tiếp tục duy trì loại hình chi bộ này từ Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về việc sắp xếp, tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của những CBQS xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top