Đại hội là dịp biểu dương những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (*)

11:33 - Thứ Ba, 10/12/2019 Lượt xem: 12008 In bài viết

(Trích phát biểu của đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Điện Biên lần thứ III)

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Đại hội.

... Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là dịp ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời để tổng kết đánh giá thành tựu và kết quả đạt được đồng thời hoạch định chủ trương, chính sách, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.

... Ngay từ khi được thành lập và trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đảng. Nước ta với 54 dân tộc anh em trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, cư trú tập trung ở 51 tỉnh, thành phố; 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung.

Hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc đang được triển khai khá đầy đủ và toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, có 116 chính sách được thể chế qua 173 văn bản (gồm các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Chỉ tính giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản gồm 10 Nghị định và 03 Nghị quyết và 42 Quyết định. Các chính sách dân tộc tương đối toàn diện, phân chia thành 03 nhóm cơ bản: (1)- Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; (2)- Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng; (3)- Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực. Qua đó giúp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng xâu, vùng xa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Điện Biên là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp hai nước Trung Quốc và Lào; là vùng đất lịch sử anh hùng, là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có trên 80% là dân tộc thiểu số với truyền thống yêu quê hương đất nước, đoàn kết, một lòng theo Đảng, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù trong lao động sản xuất và có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các chủ trương, các chương trình, dự án của Nhà nước đã góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

Thứ nhất là về kinh tế: Kinh tế của tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao; sản xuất nông - lâm nghiệp từ phương thức sản xuất dựa vào thiên nhiên là chính, đồng bào các dân tộc thiểu số đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đầu tư giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng đất đai trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt bình quân 29,7 triệu/người/năm, tăng 28% so với năm 2015.

Thứ hai là về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, được nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ cao, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ trực tiếp cho đời sống nhân dân; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, dự kiến đến hết năm 2019 có 30 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 90,52%...

Thứ ba về văn hóa – giáo dục – y tế: Văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. 100% các xã đã có trạm y tế khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, với tỷ lệ 12,2 bác sỹ/1 vạn dân; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường lớp học, đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá. Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc được tỉnh quan tâm khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống chính trị, tư tưởng, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thứ tư là thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ như: chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, Chính sách bảo vệ phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP... Dự kiến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 33,97%.

Thứ năm về phong trào thi đua yêu nước: Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh phát động, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng và tham gia; đồng bào đã tích thực hiện phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khư dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trở thành tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã có bước trưởng thành đáng kể.

Thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND – UBMTTQ VN tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương , ghi nhận sự cố gắng vươn lên và những kết quả mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua! Chúc mừng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được biểu dương, khen thưởng ngày hôm nay!

... Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2019 trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đó là "phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Hướng tới mục tiêu đó, hơn bao giờ hết, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh ta bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Về Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

1. Đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh

Thứ nhất,  tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc Việt Nam ta trong sản xuất và đời sống; nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng thôn, bản ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 Thứ hai, chủ động tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tham gia đào tạo, học nghề, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các địa phương, các dân tộc trong tỉnh.

Thứ ba, hưởng ứng và tham gia tích cực hơn với chính quyền địa phương trong việc thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, vừa có việc làm, vừa tăng thu nhập, vừa đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thứ tư, tiếp tục tạo điều kiện để con em mình được đến trường học tập, duy trì việc thăm khám bệnh tại cơ sở y tế, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các phong tục đang là rào cản để vươn lên thoát nghèo. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa”, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

2. Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh

Thứ nhấttiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; chú trọng thực hiện các chính sách cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khoá 14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng biên giới  , phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; 99% được sử dụng điện lưới quốc gia, 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Đến năm 2030, cơ bản không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn; 85% số xã vùng đồng bào dân tộc có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; xóa tình trạng nhà tam, nhà dột nát...  nhằm tăng cường cơ hội để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của tỉnh.

Thứ hai, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên. Đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… của các thế lực phản động lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào gây rối trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thứ ba, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trước hết là hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế....Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Tập trung giải quyết tốt nhu cầu về đất ở, đất sản xuất để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thứ tư, quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thứ nămtiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn, thôn, bản vững mạnh toàn diện; chú trọng công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.

... Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ III, là dịp biểu dương, tôn vinh những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào. Tôi tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, những kết quả đã đạt được, phấn đấu thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển, đời sống của đồng bào cá dân tộc không ngừng được nâng lên...

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Bình luận
Back To Top