Vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm

15:28 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 8400 In bài viết

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong năm 2019, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự bứt phá trong toàn hệ thống chưa rõ nét, nhất là khâu tổ chức thực thi chủ trương, chính sách đã được ban hành.

Theo Báo cáo của Chính phủ, có những công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng thiếu quyết liệt, có nơi còn trì trệ, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao, phối hợp chưa thực sự trách nhiệm. Bộ chủ trì tham mưu đề xuất không rõ chính kiến, đơn vị phối hợp chậm trả lời, ý kiến chung chung, không rõ quan điểm ngay cả với vấn đề trực tiếp liên quan, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc chung của Chính phủ, nhất là việc mang tính chất liên ngành.

Nhiều địa phương nổi lên như điểm sáng, nhưng còn có nơi trì trệ, vẫn mang tư tưởng trông chờ, thiếu tính chủ động trong tìm hướng đi mới, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh.

Tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa hiệu quả, cơ cấu tổ chức cồng kềnh sinh ra tầng nấc, chồng chéo trong giải quyết công việc. Vẫn có tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong xử lý công việc của doanh nghiệp và công dân.

Tồn tại trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã được chỉ ra, bên cạnh nguyên nhân khách quan, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động, nhất là trách nhiệm, vai trò người đứng đầu.

Bốn bài học kinh nghiệm

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu bốn bài học kinh nghiệm liên quan đến thể chế hóa chủ trương của Đảng, lựa chọn vấn đề then chốt, nhận diện tình hình, và khơi dậy khát vọng vươn lên.

Một là, quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Trung ương Đảng; kiên định mục tiêu, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt coi trọng khâu tổ chức thực thi, phân công cụ thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm, then chốt; xác định điểm nghẽn, tập trung chỉ đạo tháo gỡ bằng quyết sách cụ thể, kịp thời hoàn thiện chính sách, pháp luật; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, tạo động lực phát triển toàn diện.

Ba là, bám sát thực tiễn, chủ động dự báo nhận diện tình hình; đổi mới, sáng tạo, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh; tìm kiếm cơ hội trong thách thức; quyết liệt thực hiện đồng bộ cả nhiệm vụ trước mắt với nhiệm vụ lâu dài.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên, ý chí quyết tâm, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy hành động bứt phá trên các lĩnh vực.

Đổi mới tư duy, tạo dấu ấn mới rõ rệt trong năm 2020

Chính phủ cho rằng với ý nghĩa đặc biệt của năm 2020, các cấp, các ngành phải khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới tư duy, cách làm, thực sự phải tạo dấu ấn mới rõ rệt.

Các cấp, các ngành cần bám sát phương châm hành động, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm về những chỉ tiêu nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Từng bộ, ngành, địa phương xác định rõ những việc trọng tâm phải làm; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm, không phong trào hình thức, phải minh chứng bằng kết quả thực chất.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; cắt bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở; đơn giản hóa quy trình xử lý công việc với tinh thần đột phá; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phân cấp mạnh mẽ, tăng sự chủ động, giao quyền gắn với trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra; kiên quyết xử lý tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top