Chưa thống nhất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

14:27 - Thứ Sáu, 10/01/2020 Lượt xem: 9040 In bài viết

Sáng 10-1-2020, tiếp tục phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn quan điểm khác nhau liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Bùi Mạnh Cường.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đưa ra 5 vấn đề lớn vẫn còn quan điểm khác nhau, gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”; trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định; thời hạn giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước.

Về nội dung bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Bùi Mạnh Cường cho rằng, về mặt lý luận, 3 cơ quan điều tra chuyên trách gồm cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mặc dù đều có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định, nhưng thực tế hiện nay cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lại không được giao nhiệm vụ giám định.

Về nhu cầu thực tiễn, hiện nay Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đang thực hiện điều tra 38 tội danh về tư pháp cần giám định về âm thanh, hình ảnh, nên nếu không có cơ quan giám định sẽ phát sinh những bất cập trong thời hạn điều tra. “Ngoài ra, việc bổ sung giám định tư pháp không làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, không tăng chi phí hoạt động”, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm của Bộ Công an là không đồng tình với vấn đề bổ sung nhiệm vụ giám định cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Nguyên nhân là Bộ Công an nhận thấy chưa thực sự cần thiết, bởi thực tế 2 cơ quan giám định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu giám định, phục vụ chung cho công tác điều tra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quan điểm của Chính phủ là đồng ý với việc giao bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bởi hiện Viện đã có sẵn thiết chế, chỉ cần giao thêm việc. “Việc này sẽ tạo thêm một kênh đóng góp tiếng nói minh bạch, khách quan trong giám định”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vì vấn đề bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn còn 2 ý kiến khác nhau nên cần có đánh giá tác động đầy đủ, giải trình rõ lý do và đề nghị Chính phủ có ý kiến lại, chính thức bày tỏ quan điểm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bảo lưu 2 ý kiến khác nhau nói trên để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top