Khi lòng dân đã thuận, nghị quyết ắt thành công

10:02 - Thứ Ba, 14/01/2020 Lượt xem: 10077 In bài viết

ĐBP - Nếu lòng dân đồng thuận, nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống. Minh chứng cho điều này là việc triển khai các nghị quyết có tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân của HÐND tỉnh được ban hành trong năm 2019. Chỉ mới thông qua trong năm nhưng nhiều nghị quyết đã được triển khai thực hiện thành công.

Người dân tổ dân phố 1, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) được tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết mới của HÐND tỉnh trong năm 2019.

Năm 2019, HÐND tỉnh đã tổ chức 3 kỳ họp thường kỳ và bất thường bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh. Trong đó lấy ý kiến, ban hành nhiều nghị quyết có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân trên địa bàn, thu hút sự quan tâm của dư luận, như: Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND ngày 26/8 về “Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”; Nghị quyết số 116/NQ-HÐND ngày 10/7 về việc “Sáp nhập, đổi tên các thôn, bản, đội, tổ dân phố (TDP) thuộc 2 huyện: Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông”; Nghị quyết số 124/NQ-HÐND ngày 26/8 về việc “Sáp nhập, đổi tên các bản, TDP thuộc TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Mường Ảng và TX. Mường Lay”. Ngay sau khi các nghị quyết này được ban hành, các bước triển khai đã được đẩy nhanh thực hiện, đặc biệt là chú trọng phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho mọi người dân nhằm tạo sự đồng thuận, không để lại dư luận, bức xúc, vướng mắc trong nhân dân. Nhờ vậy cả 3 nghị quyết trên đến nay đều đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành một cách thuận lợi, thành công.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức và Nội vụ huyện Ðiện Biên, toàn huyện có 455 người hoạt động KCT cấp xã. Áp dụng Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND thì số người hoạt động KCT cấp xã sẽ còn 276 người, giảm 179 người, giảm hơn 260 triệu đồng/tháng chi trả phụ cấp cho ngân sách Nhà nước. Thực hiện thay đổi số lượng, chức danh người hoạt động KCT cấp xã, ngay khi Nghị quyết được ban hành, từ huyện xuống xã đã có nhiều cuộc làm việc phổ biến, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng cán bộ KCT thuộc diện cắt giảm. Ðồng thời các địa phương đều tạo điều kiện, ưu tiên lựa chọn người hoạt động KCT có trình độ năng lực, kinh nghiệm để bố trí, sắp xếp vào các vị trí chức danh còn khuyết, phù hợp với tình hình thực tế của từng xã. Những người thuộc diện dôi dư được chuyển sinh hoạt về các thôn, bản, góp phần tạo nguồn cho công tác Ðảng và nhân sự cho cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, đại hội chi bộ sắp tới.

Theo Nghị quyết này, tại xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) số lượng người hoạt động KCT cấp xã giảm từ 17 xuống còn 10 người. Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi có chủ trương, xã đã tổ chức cuộc họp phổ biến cho tất cả cán bộ, công chức, người hoạt động KCT cùng biết và hiểu rõ; công khai ai được bổ nhiệm lại, ai không bố trí được công việc khác. Trong số người hoạt động KCT tinh giản đợt này có nhiều người đã làm việc lâu năm và đã lớn tuổi nên cũng có ý định nghỉ ngơi bên con cháu, nhất trí cao với Nghị quyết. Tuy nhiên còn 2 đồng chí trẻ, trên dưới 30 tuổi, vẫn muốn tiếp tục làm việc, cống hiến nhưng xã đã đủ nhân sự, không bố trí được công việc nào khác thì hơi tâm tư. Sau khi các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền xã tích cực làm công tác tư tưởng, nêu rõ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho những người hoạt động KCT sau nghỉ việc có thể vay vốn phát triển kinh tế gia đình và sẽ rà soát, ưu tiên những trường hợp này nếu xã có chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự đúng chuyên ngành thì cả 2 đồng chí đều đã đồng thuận. Anh Lò Văn Kiên là người hoạt động KCT giúp việc cho Ðảng ủy xã Nà Nhạn, chưa đến 30 tuổi, có 3 năm công tác tại vị trí này cũng thuộc diện tinh giản. Anh Kiên chia sẻ: “Mới đầu tôi suy nghĩ khá nhiều vì mình vẫn muốn tiếp tục phấn đấu nhưng giờ thì tư tưởng đã thoải mái hơn, đồng thuận theo chủ trương chung. Sau khi nghỉ việc tại Ðảng ủy xã, tôi tập trung vào lo công việc gia đình (làm nhà) cho xong rồi sẽ tính vay vốn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Nếu có cơ hội việc làm khác thì tôi cũng sẽ tìm hiểu, đăng ký tuyển dụng”.

Ðối với các nghị quyết về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, TDP cũng được người dân các địa bàn đồng thuận, thực hiện thành công. Dù mới ban hành nghị quyết trong tháng 7 nhưng đến hết tháng 10, các huyện đều đã hoàn thành việc sáp nhập. Trong quá trình sáp nhập đồng thời lồng ghép sắp xếp lại số lượng, chức danh người hoạt động KCT tại thôn, bản, TDP. Trình tự triển khai được các huyện, thị, thành phố đều làm chặt chẽ, dân chủ, trên tinh thần người dân là chủ thể quyết định, thực hiện từ đề xuất cấp ủy mới, giới thiệu nhân sự giữ các chức danh chủ chốt; bỏ phiếu tín nhiệm các đồng chí được giới thiệu.

TP. Ðiện Biên Phủ đã tiến hành sáp nhập 109 TDP, bản thành 52 TDP, bản; giảm số TDP, bản toàn thành phố xuống còn 107. TDP số 9 và số 10, phường Him Lam cũng được sáp nhập chung thành TDP số 9 mới. Ông Ðặng Ðình Sáng, Bí thư TDP 9 mới, cho biết: “Qua tuyên truyền, phổ biến, người dân trong tổ hiểu rằng sáp nhập sẽ tạo điều kiện huy động được nguồn lực, các khoản đóng góp để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động của TDP; tăng số lượng đảng viên và nguồn cán bộ; tăng chất lượng các phong trào… Vì vậy gần như 100% người dân trong tổ đồng thuận với Nghị quyết, việc triển khai sáp nhập diễn ra thuận lợi, suôn sẻ và nhanh chóng, không có vướng mắc gì”.

 Ðể có kết quả như vậy, ông Lê Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ðiện Biên Phủ cho biết: “Khi có chủ trương, Thành ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện, chỉ đạo UBND thành phố hướng dẫn cụ thể các xã, phường xây dựng phương án, đề án, các mẫu biểu, quy trình thủ tục để triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các TDP, bản trên địa bàn. Tiếp đó, cùng với các phường, xã tổ chức họp và khảo sát trên thực địa để dự kiến phương án sáp nhập, tổ chức họp mở rộng giữa lãnh đạo phường và lãnh đạo TDP, bản, qua đó lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trong việc sáp nhập còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Ðảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai đồng bộ, sâu rộng các nội dung liên quan. Vì vậy mặc dù việc sáp nhập ban đầu có gây chút xáo trộn cuộc sống người dân, nhưng hiểu được mục đích và sự cần thiết của nó, đa số nhân dân trên địa bàn nhất trí, đồng thuận cao”. Kết quả lấy ý kiến cử tri trước khi sáp nhập, người dân các TDP, bản trong diện sáp nhập nhất trí đạt từ 50% trở lên, nhiều địa bàn đạt 90 - 100%. Nhờ vậy kết thúc tháng 10/2019, TP. Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành thành công tác này.

Dù ở cấp nào thì việc tinh giản nhân sự, bố trí, sắp xếp lại bộ máy hoạt động, hay sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cũng là việc khó và không tránh khỏi những tâm tư. Nhưng nhờ làm tốt công tác tư tưởng, có phương án thực hiện phù hợp, đặt lợi ích của người dân lên trên hết nên đến nay ghi nhận tại các địa bàn trong tỉnh đều diễn ra thuận lợi, không có bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, thu về “trái ngọt” là lòng dân đồng thuận, nghị quyết thành công.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top