“Ðảng ta thật là vĩ đại” tiếng vọng ngân từ mùa xuân 60 năm trước…

08:17 - Thứ Tư, 22/01/2020 Lượt xem: 9918 In bài viết

ĐBP - Cách đây 60 năm, vào ngày 5/1/1960, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Ðảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ III Ðảng Lao động Việt Nam (5/9/1960). Ảnh tư liệu

Năm 2020 này, Ðảng của chúng ta ra đời đã tròn 90 năm. Và chúng ta vẫn muôn lần tự hào mà xin nhắc lại lời Người rằng : “Ðảng ta thật là vĩ đại!”.

Bởi từ khi ra đời cho đến nay, Ðảng đã bao lần lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thắng lợi to lớn.

Còn nhớ, vào ngày 3/2/1930, Ðảng ra đời trong hoàn cảnh:“Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió trên đời” (Tố Hữu). Thế mà, trong vòng 15 năm, Ðảng ta đã làm nên điều kì diệu: Lãnh đạo nhân dân ta viết tiếp trang sử vàng của dân tộc bằng một chiến công thần kì, vĩ đại, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 - một trang sử vẻ vang, chói lọi bậc nhất, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Cuộc cách mạng đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người chủ thực sự của đất nước; biến nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ nhân dân; đưa Ðảng ta từ một Ðảng hoạt động bí mật thành một chính Ðảng lãnh đạo đất nước, đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong. Ðúng như đánh giá của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Thành công của Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự trưởng thành của Ðảng ta trong nghệ thuật lãnh đạo giành chính quyền” (trích Diễn văn trong cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Ðảng, 3/2/1975). Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”...

Ðảng ta vĩ đại thật! Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn trong trứng nước, đã phải đối chọi với biết bao khó khăn phức tạp. Núp dưới bóng quân Anh giải giáp Phát xít Nhật, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Bác Hồ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Cả nước lại đứng lên. Và một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chúng ta lại chứng minh cho thế giới một sự thật hiển nhiên nhưng khó tin rằng: Một dân tộc từ tay không với gậy tầm vông và giáo mác đã dám chiến đấu và chiến thắng trước kẻ thù xâm lược với đầy đủ xe tăng, đại bác, máy bay và các vũ khí hiện đại khác. Ðể rồi cái tên: Việt Nam - Ðiện Biên Phủ, không chỉ vang lên, gây dấu ấn tại Hội nghị Giơnevơ mà tiếng vang của nó đã lan khắp bầu trời Á - Âu và thậm chí là lan đến cả vùng xa xôi như châu Phi, châu Mỹ La Tinh... Khi tổng kết cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu còn lưu trong sử sách: Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không mất một chiếc tàu bò, máy bay nào! Ðúng là ta đã có đâu mà mất? Ðó mới là điều kì diệu, rất khó hiểu đối với các sĩ quan “Xanh - Xia” và các tướng lĩnh Pháp từng nổi danh trong thế chiến thứ hai. Quả thực, huyền thoại đó giống như trong truyền thuyết Thánh Gióng mà sử sách đã lưu truyền. Tuy nhiên, “Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Ðảng mà hi sinh oanh liệt. Chỉ riêng cấp Trung ương của Ðảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc giết chết trong nhà tù”; 31 đồng chí là Ủy viên Trung ương Ðảng khóa II đã bị thực dân Pháp giam cầm với tổng cộng 222 năm tù đày. “Ðó là chưa kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn tù”; “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập và kết quả tự do”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dân tộc ta lại phải tiếp tục đối đầu với một cường quốc có tiềm lực quân sự bậc nhất thế giới - Ðế quốc Mỹ. Cuộc chiến này quả là “châu chấu đấu voi”. Thế nhưng, từ trong máu lửa, chúng ta đã như cô Tấm ngày xưa “xé vỏ thị bà Tiên ra mà làm chuyện bất ngờ”. Xuân Mậu Thân 1968, ta đồng loạt tấn công và nổi dậy trên khắp các chiến trường và đánh Mỹ tận sào huyệt ở Sài Gòn. Rồi 12 ngày đêm “Ðiện Biên Phủ trên không năm 1972”, tưởng “Chúng đốt ta hóa thành tro bụi”, nhưng “Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm”: Hà Nội - Thủ đô thân yêu của chúng ta vẫn đứng vững và toả sáng trong cơn bão đạn bom rải thảm của B52. Ðoàn đại biểu Việt Nam lại được mời đến Paris. Và trong ánh cờ đỏ sao vàng giữa “Tháp cao vun vút gió bay lên; Cơn mưa vừa tạnh mây tan hết; Nắng ánh cờ ta rực bốn bên” (Xuân Thuỷ - Lên Épphen). Tại đây, một Hiệp định đã được kí kết để đạo quân viễn chinh Mỹ rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự”. Ðể không lâu sau đó, “Lá cờ ta lồng lộng hiên ngang; Cờ Bắc Nam rực rỡ sao vàng”, ngọn cờ cắm trên nóc Dinh Ðộc lập trưa ngày 30/4/1975. Và rồi, giữa tiếng hoan hô như sấm dậy của bạn bè khắp năm châu, bốn bể, tháng 9/1977, Ðoàn đại biểu nước ta cùng với lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tiến vào trụ sở Liên Hiệp quốc. Ôi, “Cờ ta đó; Ðang bay giữa lâu đài Liên Hiệp quốc; Ðang bay giữa đô thành Nưu Ước; Ðại biểu một trăm mười ba nước chăm chú nhìn lên; Ðại biểu Hoa Kì cũng đứng thẳng trang nghiêm; Ôi đỏ rực, chói vàng, lá cờ ta bách thắng; ...; Hãy bay cao! Bay cao; Một ngày nào, bay tới các vì sao” (Xuân Thủy - Lá cờ ta).

Ðảng ta vĩ đại thật! Vì Ðảng ta không những lãnh đạo nhân dân ta lật nhào chế độ phong kiến, đánh thắng bè lũ thực dân, đế quốc; mà Ðảng ta đã và đang từng bước vững chắc lãnh đạo nhân dân ta quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Quyết không để cho một người dân nào phải chịu đói, rét, thiếu ăn, thiếu mặc và không được học hành. “Cho nên Ðảng ta vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu thành một nền kinh tế - văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cho đời sống hàng ngày của nhân dân”. Quả thực, “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”. Cũng chính vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc mà trong suốt 90 năm qua, nhất là trong thời kì đổi mới, Ðảng ta đã tiếp tục làm hết sức mình để từng bước thay đổi diện mạo của đất nước. Hiện nay, theo đánh giá của bạn bè quốc tế thì, Việt Nam đã và đang trở thành đối thủ “đáng gờm” trong nền kinh tế ở châu Á và thế giới. Ðặc biệt, sau 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới và ở châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê và gạo. Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ nhất của châu Á, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 6,29%, riêng năm 2018 là 7,08% và năm 2019 là 7,02% (đứng ở tốp đầu về tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở châu Á). Ðặc biệt, sau 12 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như: Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon… Cuối năm 2019, đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)... trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN. Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20... Cũng nhờ nỗ lực không ngừng mà 12 năm qua, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như: Australia, New Zealand, Nhật Bản... Việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khuôn khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững. Không những vậy, khép lại năm 2019 chúng ta thật sự vui mừng khi 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. Ðời sống nhân dân được giữ vững và cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 200USD so với năm trước… Hẳn đây sẽ là một chặng đường phát triển sôi động và có nhiều hứa hẹn tốt. Dù khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng đất nước ta có cơ hội để tiến lên. Tuy nhiên, như lời Bác đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Và quả là như vậy, bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong Ðảng cũng xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào con đường chủ nghĩa cá nhân, băng hoại về nhân cách và đạo đức, ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng. Một lần nữa Ðảng ta lại nhận thấy được mối nguy đó và đã tuyên chiến quyết liệt với loại “giặc nội xâm”, quyết liệt triển khai cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Và điểm tựa cho cuộc chiến đó là những Nghị quyết lớn như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cho đến đầu năm 2020 này, Ðảng đã phát hiện, xử lý nghiêm minh với những cán bộ đương nhiệm hoặc đã về hưu với phương châm “không có vùng cấm”; “thi hành kỷ luật một số người để cứu muôn người”; xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, hàng chục vụ “đại án” đã được xét xử nghiêm minh. Chỉ riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng khóa XII, 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ cao cấp đã bị xử lý hình sự. Việc làm đó đã củng cố và tăng cường niềm tin trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời chặn đứng những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phá tan âm mưu đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng ta đối với đất nước. Hiện Ðảng đang chuẩn bị cho Ðại hội lần thứ XIII. Dù các thế lực thù địch đang tìm đủ mọi cách chống phá với bao luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Ðảng, hoặc ít ra cũng làm lệch đường, lệch hướng con đường mà Bác Hồ và Ðảng ta đã lựa chọn. Thế nhưng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng khái quán triệt: Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Ðiều lệ, đường lối, chủ trương của Ðảng. Tiếp tục cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và đây cũng được coi là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, làm cho Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vai trò của Ðảng cầm quyền, được toàn dân gửi gắm tin yêu và hy vọng. Trước mắt, để thực sự tự tin tiếp tục bước vào giai đoạn hội nhập sâu với quốc tế, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết thực hiện lời dạy của Người là “bất kì ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, văn hóa và khoa học kĩ thuật, làm tốt công tác kinh tế tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm” và phải đoàn kết và học hỏi lẫn nhau, để cùng tiến bộ.

Năm 2020 đã đến, trước thềm đại hội Ðảng  các cấp tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, một lần nữa chúng ta lại nhắc nhớ lời Người: “Ðảng ta thật là vĩ đại!”. Vâng, chúng ta mãi mãi tự hào về Ðảng ta - Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã một lòng một dạ chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Xin ngàn lần tự hào và nhắc lại lời Người: “Ðảng ta vĩ đại như biển rộng như núi cao”, “Ðảng là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no/ Công ơn Ðảng thật là to”. 90 năm qua, lịch sử của Ðảng luôn “là cả một pho lịch sử bằng vàng”.

Nguyễn Thị Thọ
Bình luận
Back To Top