Đạo đức Hồ Chí Minh - Đạo đức của Đảng

08:47 - Thứ Hai, 03/02/2020 Lượt xem: 10484 In bài viết

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, “là đạo đức, là văn minh”, là đội tiền phong lãnh đạo, xứng đáng là danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Với nhân dân, nói tới đạo đức Hồ Chí Minh cũng là đề cập đến đạo đức của Đảng.

 

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành công việc nền nếp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong ảnh: Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN

“Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, là độc lập, là hòa bình, ấm no". Theo Người, Đảng phải được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo 12 “tư cách của Đảng chân chính cách mạng” (Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc xuất bản tháng 10-1947). Trong đó, Người nhấn mạnh: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài; cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng và lý luận cùng thực hành phải luôn đi đôi với nhau; phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng; phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, Người nhấn mạnh việc Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng; phải luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài. Đặc biệt, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng...

Trong Đảng, cán bộ, đảng viên không chỉ thấm nhuần sâu sắc vai trò, sức mạnh của đạo đức cách mạng, coi đạo đức là gốc, là căn bản, là nền tảng mà còn phải thường xuyên rèn luyện “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cụ thể, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đều phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải có và thường xuyên rèn luyện 5 đức tính tốt dưới đây:

“Nhân” là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

“Nghĩa” là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ việc to hay nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

“Trí” là vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

“Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc là phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc...

“Liêm” là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Cũng theo lời Người, để làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải phụng sự nhân dân trên tinh thần luôn “đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo”. Đó chính là đạo đức của Đảng cách mạng trong sạch, vững mạnh và của mỗi cán bộ, đảng viên - những người đảm nhận trọng trách kép vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, luôn “làm mực thước cho dân”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” mà không cầu danh lợi, không màng phú quý, coi khinh sự xa hoa, giản dị trong lối sống đời thường…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân... và sự nêu gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên phải được thực hiện xuyên suốt và nhất quán trong mọi thời điểm cách mạng. Điều đó không chỉ đem nguồn sức mạnh vô địch, sức hấp dẫn mà còn giúp quy tụ và lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đặt ra.

Để đạo đức Hồ Chí Minh - đạo đức của Đảng luôn tỏa sáng

Nhận thức sâu sắc rằng: “Cái chết” về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới “cái chết” về chính trị; nguy cơ thoái hóa, biến chất của một Đảng cầm quyền sẽ đến rất nhanh, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, trở thành những kẻ “sâu mọt”, những “quan phụ mẫu”. Người chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Vì thế, Người đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân, gương mẫu đi đầu và luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm; đồng thời, yêu cầu mọi đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng.

Tuy nhiên, thời gian qua, những hệ lụy của quyền lực, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân: Thói trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo; tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân; “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”, “chạy quy hoạch”... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra - vẫn là vấn nạn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để. Sự suy thoái của bộ phận không nhỏ “những con sâu làm rầu nồi canh” đó đã và đang gây bức xúc trong nhân dân. Những việc làm đó trái với lợi ích của Đảng và những chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và thấu triệt chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta chú trọng. Đặc biệt, những năm gần đây, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sâu rộng, thiết thực, trở thành nền nếp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã mang lại những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của mỗi cấp ủy và của từng cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục tinh thần và quyết tâm xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, luôn tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình thương yêu đồng chí lẫn nhau để đoàn kết thống nhất về ý chí, hành động. Đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ; coi sự đánh giá của nhân dân là thước đo, là một tiêu chuẩn đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, nhất là trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những kẻ tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã dùng tiền tài để mua và “chui lọt” vào những chức vụ, vị trí trong các cơ quan Đảng, Nhà nước chỉ để nhằm “dĩ công vi tư”, mưu cầu “lợi ích nhóm”.

Có thể nói, thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là yêu cầu hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước bền vững là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, là “công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, được Đảng và nhân dân ta đã, đang kiên trì thực hiện, nhằm hiện thực hóa “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top