Thường trực Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân về thực hiện Dự án Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung

19:12 - Thứ Năm, 06/02/2020 Lượt xem: 11126 In bài viết

ĐBP - Ngày 6/2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân TP. Điện Biên Phủ về việc thực hiện Dự án Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung. Các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận buổi đối thoại.

Theo báo cáo của TP. Điện Biên Phủ, đến nay Dự án Đường 60m đã tiếp nhận mặt bằng của 158/211 hộ, bàn giao cho đơn vị thi công 88.178,5m2/105.582m2, đạt 83,5%; đã giao đất tái định cư cho 78 trường hợp, còn lại 83 trường hợp. Hiện nay còn 25 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng và 28 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng.

Đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, đã đo đạc, kiểm đếm 304/339 hộ, với diện tích 15,6ha/16,93ha; lập thẩm định phương án bồi thường cho 301 hộ với 14,8ha; phê duyệt phương án tái định cư cho 89 hộ và 148 đối tượng giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá. Kết quả thi công xây lắp của dự án đạt 31,6%. Hiện nay còn 31 hộ chưa đo đạc kiểm đếm; 51 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường, chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng; 45 hộ đã đo đạc kiểm đếm nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường; công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ.

16/20 hộ dân đại diện cho các gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Dự án Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung dự đối thoại đã có ý kiến tập trung vào việc cần đẩy nhanh tiến độ các dự án và các điểm tái định cư để sớm ổn định đời sống người dân; làm rõ mục đích thu hồi đất thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung. Người dân thắc mắc có hay không việc 142 hộ dân đăng ký mua đất dự án Hạ tầng khung? Dự án đường vành đai 2 có phải “dự án treo”, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc các gia đình không làm được sổ đỏ? Cần làm rõ việc cùng một quả đồi nhưng đơn giá đền bù bồi thường lại khác nhau? Đại diện các hộ gia đình đề nghị đẩy nhanh tiến độ đền bù, bồi thường đối với những diện tích đất sau khi đã được kiểm đếm, đo đạc. Vì sao những diện tích đất ruộng, ao bị ngập úng do thực hiện dự án, đến nay có gia đình đã được đền bù nhưng có gia đình chưa được đền bù? Đối tượng sử dụng khu thương mại, dịch vụ dọc trục đường 60m là doanh nghiệp hay cá nhân? Các hộ dân bản Phiêng Bua, tổ 16, 17, phường Him Lam đề nghị cấp đất tái định cư; đề nghị xem xét chính sách bồi thường đất nông nghiệp…

Cơ bản các ý kiến của người dân đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và UBND TP. Điện Biên Phủ giải đáp thỏa đáng. Trả lời nội dung không nhất trí với việc thực hiện đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, đề nghị tỉnh phải thực hiện thỏa thuận đơn giá bồi thường về đất, tài sản, cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, UBND thành phố cho rằng: Căn cứ vào khoản 3, Điều 62; khoản 4, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong việc “tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”. Thẩm quyền ban hành giá đất cụ thể thuộc UBND tỉnh. Do đó, việc UBND thành phố căn cứ vào quyết định 144/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh để áp giá bồi thường đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung là đúng theo quy định. Để thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, UBND thành phố đã phối hợp với Trung tâm Quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện công tác cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ: Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Thị Thoa, Trịnh Thị Tỵ, Vũ Khắc Nhụ (tổ 18, phường Him Lam) và lên phương án bồi thường cho gia đình theo đúng quy định hiện hành… Đối với những ý kiến chưa đồng tình, UBND thành phố sẽ tiếp thu, xem xét, kiểm tra và trả lời người dân.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Dự án đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung là những dự án trọng điểm của tỉnh. Việc xây dựng các dự án này được thực hiện theo quy hoạch, không có việc thu hồi đất chia lô, bán thửa. Lý do các dự án chậm chủ yếu do một số nguyên nhân: Công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc; thiếu nguồn kinh phí. Liên quan đến vấn đề bố trí tái định cư các dự án phụ thuộc vào toàn bộ nguồn đất, thửa đất và số hộ gia đình. Các ý kiến về chính sách đền bù, giá cả liên quan đến 2 dự án chênh lệch do 2 nguồn vốn khác nhau. Cụ thể, chế độ, chính sách bồi thường Dự án Đường 60m được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La; chế độ, chính sách bồi thường hỗ trợ Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung được áp dụng theo khung chính sách Luật Đất đai năm 2013. Đối với nội dung một số hộ gia đình kiện ra tòa án hành chính, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, xem xét lại. Bí thư Tỉnh ủy giao UBND TP. Điện Biên Phủ tổng hợp, xem xét từng ý kiến của người dân để giải quyết dứt điểm. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn thời gian tới, nhân dân trên địa bàn tiếp tục phối hợp với chính quyền, đồng hành trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, điển hình là Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên Phủ.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top