Đề nghị tăng mức phạt vi phạm hành chính tối đa đối với một số lĩnh vực

14:33 - Thứ Hai, 10/02/2020 Lượt xem: 9728 In bài viết

Sáng 10-2, sau khi khai mạc phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 6 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong dự án luật, Bộ Tư pháp đề nghị tăng mức phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực. “Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Đa số ý kiến tại phiên họp đồng tình với sự cần thiết phải nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần chỉ rõ lĩnh vực nào cần răn đe, đưa vào khoản riêng để làm rõ.

“Có những hành vi phải phạt nặng, như chống đối người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự, vi phạm về môi trường, xâm hại trẻ em...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần làm rõ sự đồng bộ của Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thuận về việc tăng thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, biện pháp kiểm soát cơ quan công quyền, tránh lạm dụng quyền lực, cơ chế giám sát của xã hội trong việc xử lý vi phạm hành chính vẫn còn mờ nhạt, chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Báo cáo bổ sung một số vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, hiện tại, một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự có sự đan xen với vi phạm hành chính khi mức phạt tối đa của hành chính cao hơn mức phạt tối thiểu của hình sự. Mặc dù ranh giới giữa hai vấn đề vẫn chưa được xử lý triệt để nhưng vẫn phải đi theo cách tiếp cận này, bởi tính nghiêm khắc của xử lý hình sự còn thể hiện ở hậu quả pháp lý, án tích… ảnh hưởng đến nhân thân con người.

“Ngoài ra, phạt tiền hành chính tối đa không phải lúc nào cũng được áp dụng, mà đây chỉ là mức trần, đối với mức phạt tối thiểu của hình sự cũng như vậy”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là dự án luật rất quan trọng, do đó phải bảo đảm hai yêu cầu: Vừa giúp công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo, thẩm tra chú ý bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ pháp luật của dự án luật. Cơ bản nhất trí về tăng mức phạt hành chính tối đa đối với một số lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ căn cứ thực tiễn của vấn đề này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó tán thành việc nâng mức xử phạt hành chính đối với một số lĩnh vực. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá, nghiên cứu dự thảo luật trên nguyên tắc rõ ràng, có sự đồng thuận cao; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo luật, bảo đảm chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ chín.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top