Bế mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10:12 - Thứ Năm, 26/03/2020 Lượt xem: 8843 In bài viết

Sáng 25-3, tại Hà Nội, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đầu tháng 4-2020, Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu chuyên trách để cho ý kiến về những vấn đề lớn, còn khác nhau về một số dự án luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nội dung, gửi tài liệu để các đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, bảo đảm trang thiết bị, đường truyền phục vụ họp.

“Cuộc họp các Ủy ban của Quốc hội cũng ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến. Riêng cơ quan Dân nguyện vẫn tiếp tục hoạt động, không vì dịch mà đình trệ, phải giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân, doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Để chuẩn bị nội dung phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ xem xét kỹ lưỡng tính cấp thiết và khả năng chuẩn bị trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình phiên họp.

Hoan nghênh Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời trong công tác ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện tốt các quy định của pháp luật; theo dõi, chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, khuyến cáo của ngành y tế.

Đồng thời, bộ máy hành chính nhà nước cần tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân qua dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long...

“Chính lúc này, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất quan trọng, giúp chúng ta tiếp tục vượt qua những khó khăn để bảo đảm đất nước giữ vững sự ổn định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần đầu) về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Thượng tướng Phan Văn Giang.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình dự án Luật Biên phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo luật gồm 7 chương, 34 điều, nội dung xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của bộ đội biên phòng và chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, tại các tuyến biên giới, đặc biệt là biên giới trên bộ, còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt, cần sự quan tâm đầu tư, xây dựng để phát triển vững mạnh. Do đó, việc nâng Pháp lệnh Bộ đội biên phòng trở thành Luật Biên phòng Việt Nam và mở rộng phạm vi là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Nhất trí về tên gọi và chủ trương ban hành luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, nội dung luật phải phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ biên giới quốc gia.

Làm rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét, nội dung về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được nêu trong dự án luật chưa bao quát hết: “Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chứ không chỉ riêng lực lượng nào”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, một số quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam liên quan đến các luật khác, cần được nghiên cứu lại một cách thấu đáo.

“Lực lượng Bộ đội biên phòng là nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ biên giới, nhưng đồng thời cũng đang thực hiện các nhiệm vụ khác như giáo dục, y tế, tăng cường cán bộ tại cơ sở… Do đó, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng này cũng cần được thể hiện rõ trong luật”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án luật đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội, nhưng cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, báo cáo giải trình.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiến hành thẩm tra, gửi báo cáo trình Quốc hội theo quy định.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top