Tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới

15:28 - Thứ Ba, 21/04/2020 Lượt xem: 7609 In bài viết

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, sáng nay, 21- 4, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày, tại Phiên họp thường kỳ tháng 1-2020, Chính phủ đã thảo luận và thông qua Đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 được lập theo các nguyên tắc: Ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, 9, 10 và 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện Chương trình, tránh dồn quá nhiều dự án vào Chương trình năm 2020, dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” nhất định để có thể đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm tám dự án, cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị đưa hai dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đây là dự án thuộc Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đây là dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2020.

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua một dự án là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chương trình cho ý kiến, gồm năm dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đang tiến hành việc rà soát, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Qua kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, về cơ bản, pháp luật của Việt Nam bảo đảm phù hợp quy định của Hiệp định liên quan xử lý hành vi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan trong phạm vi hành vi phân phối, xử lý trách nhiệm của pháp nhân. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra.

Trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, như: Tính dự báo không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; vẫn còn tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng.

Việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo để dự kiến sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng; tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án vẫn còn.

Nhấn mạnh những nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nhiều trường hợp chưa phát huy hết trách nhiệm, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, cho rằng, trong công tác lập đề nghị, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Đối với các dự án được Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung trong Chương trình kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình để trình sau Đại hội XIII của Đảng.

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung cùng việc quyết định bổ sung vào Chương trình.

Tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020 như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10-2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 (vì về bản chất, việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, theo yêu cầu tại các Nghị quyết Trung ương, Kế hoạch của Bộ Chính trị, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, các nghị quyết của Quốc hội, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2019 vẫn còn một số dự án luật cần được nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình trong năm 2020 và các năm tiếp theo để trình Quốc hội thông qua, nhưng đến nay, Chính phủ và các cơ quan có liên quan vẫn chưa có đề xuất đưa vào Chương trình. Do đó, đề nghị Chính chủ xem xét vấn đề này.

Về dự kiến Chương trình năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật và ba dự thảo nghị quyết; cho ý kiến sau dự án luật (không bao gồm dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh). Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), trình Quốc hội thông qua sáu dự án luật và một dự thảo nghị quyết; cho ý kiến bốn dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một dự án pháp lệnh (tháng 8-2020).

 

Việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp đặc điểm tình hình của năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều (Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV có hai dự án thông qua; Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV không trình dự án nào; Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV có một dự án thông qua, năm dự án cho ý kiến)…

(Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top