Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020): Trang sử chói lọi, khát vọng hùng cường

Cà Mau, nơi mũi thuyền vươn ra biển lớn

11:08 - Thứ Ba, 28/04/2020 Lượt xem: 8247 In bài viết

45 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Cà Mau - với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, vẫn luôn là vùng đất thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam đều ao ước một lần được đặt chân đến. Suốt chặng đường xây dựng và phát triển, người dân Cà Mau luôn luôn bứt phá để vươn lên làm cho quê hương giàu đẹp, cho muôn người trọn vẹn niềm vui, để giá trị của đại thắng mùa Xuân năm 1975 thêm ý nghĩa…

Cà Mau xa mà gần.

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển và nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Là một trụ trong tứ giác động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (cùng với Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ), Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và cụm công nghiệp khí - điện - đạm.

Dẫn chúng tôi đi giữa mênh mang sông nước và bạt ngàn rừng đước trong văng vẳng câu ca “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam” giữa bao la gió lộng, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh có hơn 100.000ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Cà Mau còn sở hữu tài nguyên du lịch gắn liền với nét văn hóa bản địa, với những sự kiện lịch sử, chiến công hiển hách của ông cha bảo vệ sự vẹn toàn, thống nhất và phát triển của đất nước”, ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.

Sau 45 năm được giải phóng và hơn 30 năm đổi mới và phát triển, kinh tế - xã hội, Cà Mau đã có bước phát triển vượt bậc, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần ngành dịch vụ, riêng năm 2019, lĩnh vực dịch vụ chiếm gần 41% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau, năm 2019, tỉnh hoàn thành và vượt 11/12 chỉ tiêu do nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Trong đó GRDP tăng khoảng 7% so với năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm (chỉ tiêu 45,6 triệu đồng/người/năm).

Để có được những thành tựu này, địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Cà Mau hiện được kết nối với các địa phương trong khu vực bằng nhiều hệ thống giao thông rất thuận lợi cho việc giao thương, phát triển du lịch. Tỉnh đang phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu đầu tư đường cao tốc từ Cần Thơ - Cà Mau và đường cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cao tốc An Hữu - cầu Cao Lãnh, cao tốc Rạch Giá - Xà Xía (Kiên Giang)…

Ông Nguyễn Năm là một người con của Cà Mau. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, sau 30-4-1975, ông vào tiếp quản thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Năm bộc bạch: Trước kia, đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau mất vài ngày. Rồi từ Cà Mau xuống đến Năm Căn mất hơn 4-5 giờ nữa. Rồi muốn đi Đất Mũi thì phải đi thuyền thêm 50km… Còn nay, đường Hồ Chí Minh đã về đến điểm cuối Đất Mũi. Đi từ thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần ngồi ô tô khoảng 8 giờ là đến “Mũi tàu ta đó, Mũi Cà Mau rồi”.

Có một Hà Nội ở Cà Mau

Mũi Cà Mau không chỉ đặc biệt khi là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ Biển Đông và lặn xuống Biển Tây mà còn bởi là nơi ''đất biết nở, rừng biết đi và biển biết sinh sôi''. Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, tự thân địa danh “Đất Mũi Cà Mau” đã có một sức hút rất lớn đối với du khách. Và trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, Cà Mau muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Trong sự hợp tác đó, riêng về lĩnh vực du lịch, tỉnh Cà Mau và thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện liên kết hợp tác theo chương trình phát triển du lịch đã ký kết giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020. Qua đó, hai địa phương đã phối hợp tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến du lịch thông qua các hội chợ, triển lãm nhằm kết nối điểm đến du lịch và liên kết phát triển du lịch.

Cùng với các công trình quan trọng khác nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau như: Cột mốc Tọa độ quốc gia GPS 0001, biểu tượng Mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội là món quà ý nghĩa mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất cực Nam Tổ quốc, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn sâu nặng của người dân nơi trái tim của cả nước đối với quê hương Đất Mũi Cà Mau.

Giữa cái nắng của miền cực Nam Tổ quốc, chúng tôi từng gặp một nhóm du khách trẻ từ Thủ đô Hà Nội đến Đất Mũi Cà Mau. Chị Nguyễn Thu Nga, thành viên trong nhóm du khách, cho biết, dù đã có cơ hội đến nhiều vùng, miền của đất nước, nhưng khi đến Cà Mau, về xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), có cơ hội tham quan tuyến du lịch xuyên rừng ngập mặn, được đi xuồng dưới tán rừng đước, lội xuống bãi bồi…, chị thấy sự gần gũi, gắn bó giữa con người với thiên nhiên của vùng đất cực Nam này. “Đặc biệt, khi đứng cạnh biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau và ngước nhìn Cột cờ Hà Nội, tôi có một cảm nhận đặc biệt tự hào về non sông liền một dải”, chị Thu Nga xúc động nói.

Như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khi đến thăm Cà Mau, Cột cờ Hà Nội là biểu tượng kiêu hãnh của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Cột cờ Hà Nội luôn là biểu tượng không chỉ tượng trưng cho ý chí tự cường của Thăng Long Hà Nội mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng như Cột cờ Hà Nội cổ xưa có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc, gắn với truyền thống lịch sử của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, đây còn là biểu tượng văn hóa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

“Mặc dù xa về khoảng cách địa lý nhưng sự hiện diện của Cột cờ Hà Nội nơi Đất Mũi sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối, tô thắm thêm tình cảm giữa nhân dân Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Cà Mau nói riêng”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.

Sau 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, cũng như nhiều tỉnh thành khác, vùng Đất Mũi của Tổ quốc ngày càng "thay da, đổi thịt". Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên không ngừng của cán bộ, nhân dân Cà Mau, nhiều dự án lớn như Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 thuộc Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, sản xuất khoảng 25 triệu KWh mỗi ngày hòa vào lưới điện quốc gia, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (Cà Mau) đã hoàn thành, xóa thế biệt lập của huyện Ngọc Hiển (từng là điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô tô đến trung tâm)..., góp phần tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả khiến hình ảnh của vùng đất Cà Mau kiên cường trong kháng chiến, nỗ lực vươn lên với khát vọng giàu đẹp hơn trong thời bình, để tôn vinh giá trị của thành quả giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đang ngày càng hiện rõ…

Chiều ở Đất Mũi, từ ngoài biển nhìn vào, Cột cờ Hà Nội sừng sững vươn lên giữa bạt ngàn rừng đước. Chúng tôi nhớ lại lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Hình ảnh Cột cờ Thủ đô vươn cao nơi Đất Mũi góp phần quảng bá hình ảnh Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một mũi tàu Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi, phát triển bền vững trong tương lai”.

(Còn nữa)

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top