Ký ức Mường Phăng ngày đại thắng

09:55 - Thứ Tư, 06/05/2020 Lượt xem: 8360 In bài viết

ĐBP - Vào một ngày đầu tháng Năm, chúng tôi trở lại xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ), tìm về thời khắc toàn thắng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ 66 năm trước. Thời gian trôi qua đã lâu, những nhân chứng của thời khắc lịch sử ấy người còn, người mất nhưng qua những gì chúng tôi cảm nhận, trong ký ức của người dân Mường Phăng, ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ thực sự là ngày hội lớn của non sông…

Ông Lường Văn Nanh (bên phải) kể lại những ký ức trong ngày đại thắng của quân ta trên chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Vì đã có mối thâm giao từ trước nên đội ngũ lãnh đạo xã Mường Phăng tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, nồng hậu ngay khi vừa bước chân vào trụ sở UBND xã. Thế nhưng qua trao đổi chúng tôi mới biết vì thời gian trôi qua đã lâu nên nhiều người có mặt vào thời điểm chiến thắng đã không còn nữa; cụ nào còn sống thì tuổi cũng đã cao, không còn minh mẫn. Những tưởng câu chuyện đã đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mường Phăng chợt nhớ ra một cụ ông gần 90 tuổi đã từng sống trong thời khắc lịch sử ấy. Ðược sự chỉ dẫn tận tình, chúng tôi nhanh chóng tìm tới nhà cụ Lường Văn Nanh, bản Phăng 2, xã Mường Phăng. Ðã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi hỏi lại câu chuyện năm xưa, ông Nanh vẫn có thể kể lại rành rọt từng chút một. Ngày ấy, người dân các bản ở Mường Phăng còn rất nghèo nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Lớp lớp thanh niên trong xã đều cố gắng đóng góp sức lực cho chiến dịch. Còn những cánh rừng nguyên sinh ở nơi đây thực hiện nhiệm vụ bao bọc cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bảo đảm an toàn cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản thân ông cũng trực tiếp tham gia lực lượng du kích, làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực và vận động tiếp tế cho tiền tuyến ở lòng chảo Mường Thanh. Khi tin chiến thắng báo về, ông không kiềm chế được xúc động mà hô to: “Chiến thắng rồi, sung sướng quá bà con ơi!!!” bằng tiếng dân tộc mình. Trong đầu ông nghĩ rằng từ nay người dân Mường Phăng đã được sống trong tự do, no ấm, không còn phải sợ những chiếc máy bay của quân giặc gieo rắc bao nỗi kinh hoàng như xưa nữa. Chung suy nghĩ như ông, người dân bản trên, bản dưới Mường Phăng cùng nhau hò reo vang trời đất. Khắp núi rừng chỉ nghe thấy tiếng hoan hô, chúc mừng chiến công của bộ đội ta. Thế rồi, người dân các bản lại cùng rủ nhau liên hoan mừng chiến thắng. Ngày ấy dân số các bản không đông như bây giờ, 2 - 3 bản mới mổ chung một con trâu. Không khí lúc đó thật giống như ngày hội lớn của cả Mường Phăng, ai nấy đều hòa mình vào men say chiến thắng, dập dìu trong điệu xòe, câu hát… suốt mấy ngày đêm.

Ngưng một lát như để sống lại những phút giây chiến thắng 66 năm về trước, ông Nanh mới xúc động kể tiếp câu chuyện còn dang dở. Ngày ấy, dù ở ngay sát Sở Chỉ huy Chiến dịch nhưng người dân Mường Phăng không hay biết, người đang trực tiếp chỉ huy lại là anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lẽ, khu Sở Chỉ huy Chiến dịch cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ hơn 30km đường bộ nhưng tính về đường chim bay chỉ hơn chục cây số. Quân Pháp thường xuyên cho máy bay tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta. Vì vậy, hàng trăm người tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn, chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch. Thông tin về Sở Chỉ huy được bảo mật hầu như tuyệt đối. Phải đến khi quân ta phá tan phòng tuyến cuối cùng của địch, bắt sống tướng giặc và tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng thì người dân mới biết Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở đây. “Người dân các bản xung quanh kéo nhau về xem duyệt binh đông lắm. Tại đây đại diện các đơn vị đã tham gia Chiến dịch đều có mặt đầy đủ, mang theo khí thế của người chiến thắng. Tuy vậy, các chiến sĩ vẫn không quên những hi sinh mất mát, dành phút tưởng niệm tới các đồng đội đã ngã xuống để có thành quả hôm nay. Ngày đó cũng là lần đầu tiên tôi và người dân Mường Phăng được trông thấy Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian qua cũng lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ Người cưỡi trên một con ngựa lớn để ra nơi tổ chức duyệt binh, gương mặt hiền từ nhưng mang phong thái tôn nghiêm của vị Tổng Tư lệnh cầm quân đánh trận...” - ông Nanh bồi hồi nhớ lại.

Ký ức về tháng Năm lịch sử của ông Nanh còn là những ngày được cùng bộ đội chủ lực áp giải hàng binh Pháp về miền xuôi. Là du kích địa phương, được thực hiện nhiệm vụ này vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề với người thanh niên mới 23 tuổi. Ông Nanh kể lại đầy tự hào: “Tôi và 1 du kích nữa đi cùng với 2 đồng chí bộ đội chủ lực, chịu trách nhiệm quản lý, áp giải 100 tên hàng binh từ điểm tập trung ở khu vực bản Xôm ra đến địa phận huyện Tuần Giáo. Lúc đầu tôi cũng lo lắng lắm vì bọn giặc to lớn. Về sau trên đường thực hiện nhiệm vụ mới thấy mình lo lắng là thừa. Bởi hàng binh không còn ý chí chiến đấu, hơn nữa lại được bộ đội ta đối xử tốt, cho ăn uống đầy đủ, không bị đánh đập… Vậy nên hầu như không hàng binh nào có ý định bỏ trốn, răm rắp nghe theo sự chỉ huy của bộ đội ta di chuyển về điểm tập kết tiếp theo…”

Nghe câu chuyện kể của ông Nanh, chúng tôi có thể mường tượng ra một khung cảnh chiến thắng náo nức, không khí mừng vui ở nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Không ai lên tiếng nhưng chúng tôi đều cảm thấy xúc động, tự hào về một chiến thắng vĩ đại của ông cha ta 66 năm về trước. Có thể dưới sự khắc nghiệt, phôi pha của thời gian, cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với những nhân chứng sống như ông Nanh ở Mường Phăng sẽ không còn nhiều nữa. Nhưng chúng tôi có niềm tin, với tầm vóc của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì những ký ức về tháng năm lịch sử đó vẫn sẽ sống mãi với người dân Mường Phăng…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top