Hai khoảnh khắc thay đổi cuộc đời người phụ nữ Mông

15:28 - Thứ Sáu, 15/05/2020 Lượt xem: 10042 In bài viết

ĐBP - Những ngày tháng chiến đấu với căn bệnh Siêu vi gan B ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tấm ảnh chụp chung cùng Bác Hồ vẫn luôn bên bà Mùa Thị Dí trên giường bệnh. Mọi người bảo, cùng với những chai thuốc truyền, thì có lẽ đó là liều thuốc tâm lý duy nhất giúp bà vượt qua đau đớn về thể xác. Và những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm tròn 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời dặn dò cùng những xúc cảm của 2 lần vinh dự hiếm hoi được gặp Người lại ùa về trong bà, vẹn nguyên như mới hôm qua…

Bà Mùa Thị Dí trao đổi với phóng viên về cơ duyên có bức ảnh chụp chung với Bác.

Hai khoảnh khắc…

Rất đơn giản để có được cuộc hẹn, song phải khó khăn lắm chúng tôi mới nghe và hiểu rõ câu chuyện của một người đàn bà dân tộc Mông 82 tuổi, đang trong giai đoạn khó khăn nhất của quá trình điều trị căn bệnh Siêu vi gan B. Bụng chướng to, toàn thân đau nhức, nghe, nói đều khó khăn; song có lẽ niềm vinh dự và tự hào mỗi lần nhắc đến Bác đã giúp bà Mùa Thị Dí phấn chấn hơn. Trong căn phòng bệnh chật hẹp của khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh – nơi mà suốt gần 1 năm qua cư trú nhiều hơn ở nhà, bà Dí mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những hồi tưởng về hai khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời, đó là 2 cuộc gặp trực tiếp với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Lần đầu tiên bà Dí vinh dự được gặp Bác Hồ là đúng dịp Tết Nguyên đán năm 1956. Lúc bấy giờ bà vừa tròn 16 tuổi và đang theo học tại Trường Nguyễn Ái Quốc 1 ở Hà Đông (Hà Nội). Thời điểm tết nhất, ai nấy đều về quê, duy chỉ có đoàn học sinh tỉnh Lai Châu ở lại do đường sá xa xôi, điều kiện giao thông khó khăn.

Để động viên các cháu học sinh phải xa nhà dịp tết, Bác Hồ đã cho xe đến đón toàn bộ các em sang Phủ Chủ tịch. Với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ mến, nụ cười tươi rói, và bộ trang phục truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông, bà Dí vinh dự được chọn là người cầm hoa tặng Bác. Suốt chặng đường trên xe từ trường đến Phủ Chủ tịch, bà chỉ nhẩm đi nhẩm lại một câu duy nhất “Năm mới chúc Bác mạnh khỏe!”. Lý giải cho điều này, bà bảo “Là một người con đồng bào dân tộc, ở miền núi xa xôi, lần đầu tiên được gặp vị lãnh tụ của đất nước, tôi hồi hộp lắm, sợ nói nhiều lại nói sai. Với lại vốn tiếng phổ thông khi đó còn hạn hẹp, thế nên lắng nghe Bác nhiều hơn. Trái ngược với những hình ảnh về Chủ tịch nước mà tôi tưởng tượng trước đó, sự giản dị, gần gũi và thân thuộc của Bác khiến tôi ấn tượng mãi”.

Cơ duyên thứ 2 để được gặp Bác Hồ là trong một dịp bà Dí vinh dự đại diện phụ nữ các dân tộc Lai Châu (nay là Điện Biên) tham gia Hội nghị Phụ nữ các dân tộc miền núi vào năm 1958. Tham dự hội nghị có gần 300 người nhưng chỉ có 40 người được trực tiếp đến thăm Bác, bà nằm trong số đó. Cũng tại đây, bà Dí may mắn được chụp ảnh chung với Bác, và tấm ảnh ấy vẫn luôn được bà trân trọng, gìn giữ như “gia tài” quý của cuộc đời.

“Lúc ấy, vì ai cũng muốn gặp Bác Hồ nên mọi người chen nhau đi vào bằng cửa chính. Tôi và một số chị em thì lặng lẽ lùi lại đi cửa sau. Thật không ngờ, Bác bước vào phòng cũng bằng cửa sau nên chúng tôi may mắn được tiếp cận Bác. Chỉ hành động nhỏ ấy thôi cũng là bài học với tất cả chị em chúng tôi và sự khiêm tốn và bình tĩnh trong mọi công việc” - bà Dí hổi tưởng.

Đặc biệt, điều làm bà Dí ngạc nhiên nhất chính là khi Bác Hồ hỏi chuyện bằng tiếng Mông. Chỉ là những câu hỏi đơn giản nhất, như: “Cháu quê ở đâu?”, “Cháu ăn cơm chưa?”, “Cuộc sống có tốt không?”. Chính sự ân cần, chu đáo và gần gũi của Bác đã xóa tan mọi khoảng cách, thứ bậc và xây dựng nên tình cảm kính trọng, yêu thương, gắn bó giữa đồng bào đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bà Mùa Thị Dí trong những ngày điều trị căn bệnh Siêu vi gan B tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

… thay đổi một cuộc đời

Bà Mùa Thị Dí là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại xã vùng cao Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Bố mất từ năm bà mới 12 tuổi, mẹ bà cũng mất sau đó không lâu, để lại bà và cậu em trai nhỏ dại. Trong một lần không may, ngôi nhà cha mẹ để lại bị cháy, bà Dí cõng em lang thang đi bộ dọc đường mòn tìm nơi ở. Đi mãi, đến khi “chùn gối mỏi chân”, bà dừng lại tại một khu dân cư nhỏ thuộc xã Sính Phình. May mắn gặp được những người thương tình, dựng cho 2 chị em một túp lều nhỏ, rồi hàng ngày bà đi làm thuê đổi lấy rau cháo nuôi em. Đến năm 15 tuổi, bà giác ngộ và tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương.

Ngày đó, không chỉ bản thân bà, mà tất thảy bà con ở vùng quê nghèo khó ấy không ai dám nghĩ bà có thể thoát ly, có thể làm cán bộ, huống gì lại trở thành lãnh đạo. Bởi lẽ, giữa thời buổi khó khăn chung sau ngày giải phóng, gia cảnh bà còn cùng cực hơn nữa. Nhắc đến Bác, bà lại rưng rưng 2 dòng nước mắt: “Nhờ Bác, tôi mới có cuộc sống ngày hôm nay. Bác đã thay đổi cuộc đời tôi, và nhiều cuộc đời khác của bà con đồng bào trên mảnh đất quê hương tôi”.

Trong cuộc gặp Bác lần đầu tiên (năm đó bà 16 tuổi). Bà Dí nhớ như in lời dặn dò của Bác, rằng: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải theo học. Học tập là suốt đời. Chỉ có học mới làm được những điều mình mong muốn. Trước là thay đổi cuộc đời mình, sau là thay đổi quê hương”. 9 nữ học sinh đi cùng bà thời kỳ ấy, sau đó đều bỏ học dở chừng, trở về quê hương vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu do hoàn cảnh khó khăn. Riêng bà Dí, mỗi lần có bạn bỏ về, lời căn dặn của Bác lại như nhắc nhở, thôi thúc bà phải quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản, bà Mùa Thị Dí trở về quê hương nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban Cán sự Phụ nữ châu Tủa Chùa lúc bấy giờ. Trên cương vị mới, bì Dí may mắn có được cuộc gặp thứ 2 với Bác. Để rồi, mang theo lời căn dặn của Bác: “Cháu cố gắng về vận động nhân dân sản xuất chăn nuôi, để nhà nào cũng có trâu, bò, lợn gà”; về quê hương bà Dí phát động nhân dân xây dựng phong trào “3 gà, 2 lợn”. Sau đó, mô hình dần được nhân rộng cả về quy mô và hình thức ra nhiều địa bàn dân cư và trở thành phong trào thi đua thiết thực. Nhà nhà làm kinh tế, thôn, bản ngày một khang trang, no ấm hơn.

Năm 1963, bà Dí được điều động về tỉnh đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh trong 15 năm liên tiếp. Năm 1986, bà được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Suốt hơn 40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, song dù ở vị trí nào bà cũng cống hiến hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cho đến giờ, khi đã bước sang tuổi 82, với gần 50 năm tuổi Đảng, có cho mình những phần thưởng cao quý (Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng nhất, Huân chương lao động Hạng nhì…), bà Dí vẫn chưa bao giờ quên những lời Bác căn dặn, nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác. Từ đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước, bà còn nuôi dạy các con, các cháu thành đạt, nên người. Giờ đây, ngoài bà và người chồng đã mất, thì trong gia đình bà có 5 người cũng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Hơn 60 năm trôi qua, từ một cô học trò chỉ nói được một câu tiếng phổ thông tặng hoa chúc tết Bác ngày nào, giờ đây bà Dí đã trở thành tấm gương sáng của nhiều chị em phụ nữ dân tộc khắp các vùng miền trên quê hương Điện Biên. Và cũng như tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ, những kỷ niệm về hai lần gặp Người vẫn luôn được bà trân trọng, gìn giữ.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top