SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Bài học cần khắc ghi

09:10 - Thứ Tư, 20/05/2020 Lượt xem: 8759 In bài viết

ĐBP - Mới đây, một đồng chí là người đứng đầu đơn vị X. ở địa phương sau thanh tra, kiểm tra đã bị xem xét kỷ luật. Vụ việc trước đó cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian dài và những băn khoăn, xì xèo không chỉ dừng ở địa phương mà đã có ý kiến phê bình thẳng thắn gửi lên cấp cao hơn. Sau khi làm rõ sai phạm và xử lý đúng người, đúng lỗi, đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Song câu chuyện về vụ việc trên thì vẫn còn nhắc lại khá lâu sau, phần vì hậu quả của sai phạm đến mức phải xem xét kỷ luật thì không dễ gì khắc phục trong ngày một ngày hai; phần vì, đây là bài học cần được nghiêm túc nhìn nhận đánh giá, rút kinh nghiệm để không còn ai, không còn cơ quan, đơn vị nào phạm phải.

Ðơn vị X. đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, đời sống, kinh tế của nhân dân thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế... Trong thực tế ấy, nguyện vọng tha thiết và trước nhất của nhân dân là được quan tâm, chăm lo để đời sống tốt hơn, điện, đường, trường, trạm... đảm bảo, rồi từ đó mới mong “kéo gần khoảng cách” về mọi mặt với các địa bàn khác. Song ở đơn vị X., đặc biệt là người đứng đầu đã không làm điều này; mà thay vào đó đầu tư cho những nội dung, công trình chưa thực sự thiết thực với đời sống người dân, chỉ phục vụ cho một số ít người... Có những công trình mà dư luận nói vui “Vài chục năm nữa làm, có khi còn sớm...”. Nhiều nội dung, hoạt động sau đó cũng không thể hoàn thành vì trong điều kiện xa xôi, khó khăn thực tế...

Vụ việc sau khi được kiểm tra làm rõ, xem xét xử lý nghiêm minh đã nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có những đảng viên rất tâm huyết chia sẻ rằng: “Sai lầm” bắt đầu từ việc tập thể lãnh đạo và người đứng đầu chưa nghiêm túc trong học tập và làm theo Bác về việc lắng nghe nhân dân, học từ dân và để phục vụ nhân dân. Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rất rõ, một trong những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống là: “Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả;...”. Có thể, người trong cuộc lúc này hay lúc khác lý giải: Mục đích cuối của các bên là như nhau, chứ chẳng có động cơ gì khác... Song phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đó đã là một sự không thành về nhiều mặt; một bài học đắt giá cần phải nghiêm túc khắc ghi.

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top