Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

15:32 - Thứ Sáu, 22/05/2020 Lượt xem: 7844 In bài viết

Sáng 22-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi điều chỉnh, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 gồm: Tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật; tại kỳ họp thứ mười (tháng 10-2020), trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 4 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 dự án pháp lệnh (dự kiến tháng 8-2020).

Dự kiến, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 gồm: Tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV (tháng 3-2021) sẽ thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021) sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 theo quy trình tại một kỳ họp; tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021) cho ý kiến 6 dự án luật.

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong tờ trình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình với việc xin rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2020.

Các đại biểu cho rằng, vấn đề đất đai đang là một vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng, dẫn đến khó áp dụng. Cử tri, nhân dân cả nước đều mong mỏi có bộ luật về đất đai đầy đủ, rõ ràng để việc chấp hành pháp luật và các quy định về đất đai được thực hiện nghiêm minh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), nếu đúng theo kế hoạch, trong kỳ họp thứ chín này sẽ được thông qua. Tuy nhiên, do những vướng mắc nên dự án luật này đang phải xin lùi. Thực tế, việc khám, chữa bệnh đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Dự án luật này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Theo đại biểu, cần đẩy nhanh việc thông qua dự án luật này bằng việc đưa dự án luật ra trình, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ mười tới đây. Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo dự án luật này cần chú trọng về nội dung khám, chữa bệnh online.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn) đề cập vấn đề lập và thực hiện chương trình xây dựng luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tính dự báo chưa cao, việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án luật vẫn diễn ra, trong đó nhiều dự án luật được bổ sung sát thời điểm kỳ họp, gây khó khăn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu tài liệu. Các đại biểu Quốc hội đề nghị, các cơ quan xây dựng luật cần đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) đề nghị, đối với các dự án luật không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân; đồng thời, phải mở rộng ban soạn thảo để kiểm soát quyền lực và phản biện chính sách ngay từ thời điểm soạn thảo để hạn chế những ý kiến còn khác nhau, không thống nhất.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất xây dựng các bộ luật mới. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới là Luật Bảo vệ người làm việc tốt.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đưa ra 8 nguyên nhân để Quốc hội xem xét, nghiên cứu ban hành Luật An ninh về kinh tế. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng pháp luật.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, xây dựng thể chế là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của các cơ quan Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 21 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục các ý kiến trước khi trình Quốc hội.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top