Kiến nghị tăng, bổ sung mức phạt hành chính nhiều lĩnh vực

10:02 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 7473 In bài viết

Chiều 22-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một số nội dung đáng chú ý trong dự án Luật này là tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Trong đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4, Điều 126 dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…).

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự thảo luật quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng sửa đổi một số nội dung về thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội về việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” và việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Về cơ bản, các nội dung của dự thảo luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo lần thứ 5 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất hồi tháng 2-2020 có sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 24 về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau: 

a) Phạt tiền đến 30 triệu đồng: Hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại;

b) Phạt tiền đến 40 triệu đồng: An ninh trật tự, an toàn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính;

c) Phạt tiền đến 50 triệu đồng: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen (trừ nguồn gen giống vật nuôi); trồng trọt; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;

d) Phạt tiền đến 75 triệu đồng: Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội;

đ) Phạt tiền đến 100 triệu đồng: Đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an toàn thông tin mạng; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top