Nhiều giải pháp hạn chế tai nạn lao động

08:56 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 8512 In bài viết

ĐBP - Trong khi các vụ tai nạn lao động (TNLÐ) trong khu vực có quan hệ lao động tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh giảm thì số vụ TNLÐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động năm 2019 lại tăng cao ở tất cả các chỉ tiêu thống kê (số vụ, số nạn nhân, số vụ có người chết, số người chết, số người bị thương nặng…) so với năm 2018. Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ TNLÐ trong khu vực không có quan hệ lao động làm 52 người bị tai nạn khiến 17 người chết, 32 người bị thương nặng; 1 vụ TNLÐ có 2 người bị nạn trở lên.

Lao động giản đơn trong lĩnh vực xây dựng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, phần nhiều do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm tới việc đảm bảo quy trình, biện pháp ATVSLÐ cho họ trong quá trình làm việc. Ảnh: Gia Kiệt

Lý giải tình hình TNLÐ gia tăng trong khu vực không có quan hệ lao động, ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ ngày 1/7/2016, việc thống kê, báo cáo TNLÐ trong khu vực không có quan hệ lao động bắt đầu được triển khai theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ). Số liệu thống kê từ các địa phương gửi về tỉnh cơ bản được thực hiện từ đó đã phản ánh đúng hơn về thực trạng ATVSLÐ để cơ quan chức năng tham mưu với cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp hơn để cải thiện tình hình TNLÐ. Qua phân tích cụ thể của cơ quan chức năng, trong số 51 vụ TNLÐ có tới 27 vụ TNLÐ giản đơn xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 53%); lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa 13 vụ (chiếm hơn 25%); thợ lát sàn và thợ lát đá 3 vụ (chiếm gần 6%); các vụ TNLÐ liên quan đến thợ đặt vật liệu cách âm, cách nhiệt; thợ vận hành máy; thợ mộc và thợ làm gỗ mỗi loại đều xảy ra 2 vụ; xảy ra 1 vụ TNLÐ đối với lái xe tải hạng vừa và xe tải hạng nặng; sản xuất gạch. Cũng qua thống kê cho thấy, một số địa phương xảy ra nhiều vụ TNLÐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là các huyện: Ðiện Biên Ðông (26/51 vụ, chiếm 50,9%); Tủa Chùa (13/51 vụ, chiếm 25,49%)... Và điều đáng lo ngại là đối với các xã, phường, thị trấn khi xảy ra các vụ TNLÐ trong khu vực không có quan hệ lao động đều chưa thực hiện việc lập biên bản điều tra TNLÐ mà chỉ dừng lại ở việc thống kê vụ việc.

Nguyên nhân dẫn đến TNLÐ theo đánh giá của các cơ quan chức năng chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLÐ, phòng chống cháy nổ của người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân có nơi, có lúc chưa nghiêm; trong lao động còn vi phạm các quy trình, quy phạm, biện pháp ATVSLÐ. Bên cạnh đó do chế tài xử lý vi phạm về ATVSLÐ còn nhẹ, chưa đủ sức giáo dục, răn đe đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nên tình trạng vi phạm, tái phạm vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở…

Chính vì vậy để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa các vụ TNLÐ xảy ra cùng với chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLÐ, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định về công tác ATVSLÐ. Chú trọng thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra TNLÐ, sự cố nghiêm trọng, như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các công trình trọng điểm, tiếp giáp khu dân cư, đông người qua lại. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát các nội dung liên quan hay chuyên đề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng lao động; xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan. Ðề nghị tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLÐ. Về phía các doanh nghiệp cũng cần xác định việc đảm bảo ATVSLÐ gắn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp để chú trọng hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động tại đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành về ATVSLÐ tại cơ sở, thường xuyên cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm nơi làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top