Đại biểu Quốc hội đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em

15:10 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 8437 In bài viết

"Hình thức thiến hóa học ở các nước cũng thực hiện, nếu pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục của trẻ em trong tương lai", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, theo ông đây là một trong những giải pháp đột phá để giảm thiểu loại tội phạm này.

Khó trong xử lý tội phạm xâm hại trẻ em là khâu giám định

Thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn các con số đau lòng cho thấy mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động, khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại; một năm có 38 trẻ em bị giết hại; 133 trẻ em bị thương tích...

Qua thực tế cho thấy, còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa bị xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gia đình, xuất phát từ chính những người thân, gây hậu quả về cả thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em. Công tác theo dõi, thống kê chưa đầy đủ. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, thân thích, quen biết...

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

"Cái khó trong xử lý tội phạm xâm hại trẻ em là việc người nhà thường tự đưa trẻ đi khám sức khỏe trước khi báo cho cơ quan Công an biết, thời gian dài nên làm mất hoặc thay đổi dấu vết bị xâm hại, ảnh hưởng đến công tác giám định, bởi chỉ khi kết quả giám định rõ ràng mới xử lý được tội phạm", đại biểu phân tích.

Theo ông, cũng có vụ đối tượng và người nhà nạn nhân tự thỏa thuận bồi thường với nhau nên không cho trẻ đi giám định, có trường hợp bị hăm dọa, khống chế, cá biệt có trường hợp lúc đầu trình báo sau lại rút đơn tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra...; nhiều trường hợp xâm hại trẻ em chỉ có 2 người, không có chứng cứ cụ thể nên rất khó khăn...

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề xuất có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan tổ chức trong phòng chống xâm hại trẻ em; đổi mới công tác thông tin tuyên truyền về xâm hại trẻ em; đối với gia đình cần trang bị cho trẻ em cách thức phòng vệ các hành vi đồi bại, không chủ quan giao trẻ cho người khác trông giữ...; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em...

Đâu đó vẫn thiếu vắng cơ chế bảo vệ trẻ hiệu quả

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, qua đọc báo cáo và xem phóng sự, có nhiều điều nóng và rất buồn, đòi hỏi sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và cả nước đối với phòng chống xâm hại trẻ em.

“Qua tiếp xúc cử tri, khi nhắc đến xâm hại trẻ em ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, truy tố, xử lý triệt để, nghiêm khắc các đối tượng. Nhiều vụ việc đối tượng xâm hại lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội” – đại biểu Phương nêu.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.

Ông cũng dẫn nhiều trường hợp ông nội, cha ruột xâm hại rồi doạ giết nếu nạn nhân nói sự thật. Đầu năm đến nay, dư luận xã hội đã hết sức bức xúc trước sự việc cháu bé 4 tháng tuổi bị cha mẹ bạo hành đến mức gãy 2 chân, xuất huyết não... Đáng buồn thay, thỉnh thoảng xã hội lại phải chứng kiến những vụ việc bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi tàn khốc, thời gian kéo dài và dù trẻ có cố gắng chống lại, tố cáo, cầu cứu thì đâu đó vẫn thiếu vắng cơ chế bảo vệ hiệu quả.

“Những tổn hại về thể chất có thể đong đếm, nhưng những tổn hại về tinh thần mãi mãi còn trong ký ức lâu dài của các em, có thể khiến các em suy sụp” - ĐBQH bày tỏ ghi nhận những nỗ lực phối hợp của lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình với Viện Kiểm sát và TAND tỉnh trong việc phát hiện, truy tố, xét xử, sớm ngăn chặn, hạn chế tối đa số vụ xâm hại trẻ em.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đòi hỏi có giải pháp đột phá, đột biến, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong việc tạo ra hành lang về mặt pháp lý, nhận thức và hành động. Trong đó nhấn mạnh việc tăng hình phạt bổ sung liên quan đến tội danh xâm hại trẻ em, mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức phạt chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại...

"Hình thức thiến hóa học ở các nước cũng thực hiện, nếu pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục của trẻ em trong tương lai", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh.

Đối với tội phạm mạng, trẻ ngồi ở nhà cũng có nguy cơ bị xâm hại

Đề cập đến tội phạm mạng, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khẳng định, Internet, mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội, mở mang kiến thức, giải trí, nhất là với những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, song những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy.

"Với 64 triệu người dùng internet, thuộc top cao nhất thế giới và chiếm  66% dân số thì 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15-24 tuổi. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục", nữ đại biểu viện dẫn.

Theo bà, kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với bên ngoài, hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em đến suốt cuộc đời. Đối với tội phạm mạng, trẻ ngồi ở nhà cũng có nguy cơ bị xâm hại...

Từ đó đại biểu kiến nghị các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn giảng dạy về an toàn trên môi trường học vào giờ học tin học; kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm này để người dân đề cao cảnh giác; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện từ sớm...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top