Xử lý người đứng đầu nơi xảy ra những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng

15:30 - Thứ Năm, 28/05/2020 Lượt xem: 6949 In bài viết

Thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em của Quốc hội ngày 27/5, ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, trong 9 nguyên nhân mà báo cáo tóm tắt đã nêu, nguyên nhân quan trọng nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Có số liệu là 49/63 tỉnh, HĐND tỉnh, thành phố chưa có nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo thực hiện nội dung này, mà chủ yếu lồng ghép vào các nhiệm vụ chung về kinh tế - xã hội với các nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu hoặc là chậm ban hành các nghị quyết này. 

"Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Một khi mà cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức chưa đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em", đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH Lưu Thành Công.

Ông cũng nhận thấy nhóm giải pháp mà báo cáo đưa ra chưa xử lý triệt để, chưa có cấp ủy, chính quyền, cơ quan hoặc cá nhân nào bị kiểm điểm, xử lý vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em ở địa phương mình quản lý. "Báo cáo đã chỉ ra những sai phạm thì cần phải xử lý để nêu gương và răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới", ĐBQH tỉnh Phú Yên thẳng thắn.

Theo ĐBQH Lưu Thành Công (Vĩnh Long), chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em. Vì thế nên nhiều quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần các em chưa được tiếp cận; việc nắm địa bàn, đến hộ gia đình tư vấn để ngăn ngừa xâm hại trẻ em thì các địa phương chưa làm tốt nên đã để xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị ngược đãi, xâm hại hậu quả rất đau lòng.

Ông đề nghị trong các giải pháp cần có những quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.

"Chính phủ cần xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu sự quan tâm, chậm tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em một cách kịp thời, đảm bảo kỷ cương, phép nước", ĐBQH Y Khút Niê (Đắk Lắk) đồng quan điểm.

Đánh giá việc bố trí cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp còn thiếu về số lượng, một bộ phận còn yếu về chuyên môn, thiếu kỹ năng hoạt động, nhiều địa phương chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em..., ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ mong muốn Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, siết chặt kỷ cương và kiểm tra làm rõ trách nhiệm, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chính phủ sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong các đề án, chương trình

Thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Phó Thủ tướng nêu 6 nội dung mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác trẻ em, đặc biệt trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030. Trong đó nhấn mạnh, mặc dù pháp luật còn cần tiếp tục hoàn thiện, các chương trình, đề án… cần được tiếp tục xây dựng nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện.

Để làm tốt khâu này thì những yếu tố như bộ máy, ngân sách là rất quan trọng nhưng quan trọng hàng đầu là nhận thức. "Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực. Vì vậy, các đề án, chương trình tới đây của Chính phủ phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu", Phó Thủ tướng nêu rõ.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top