VẤN ÐỀ HÔM NAY

Cần liều thuốc đặc trị “vi-rút trì trệ”

08:24 - Thứ Năm, 04/06/2020 Lượt xem: 7993 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội; đặc biệt hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, không ít doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Nhiều kịch bản tăng trưởng của năm 2020 được vạch ra với các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Và ngay sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thời hậu Covid-19. Một trong những giải pháp quan trọng Chính phủ đề ra là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân phải xác định nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn để bù đắp những thiệt hại khách quan mang lại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví von hình ảnh nhưng rất chuẩn xác rằng, chúng ta phải chống cả 2 loại vi-rút, một là vi-rút Corona và một loại vi-rút nữa là “vi-rút trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Ðó là bình diện chung cả nước và với Ðiện Biên cũng không thể khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nếu không đặc trị “vi-rút trì trệ” trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I năm nay đều giảm. Tại các cuộc gặp mặt định kỳ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp với UBND tỉnh, Hiệp hội đều có những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp chưa được các cơ quan đơn vị giải quyết, xử lý kịp thời, đúng hạn.

Tại cuộc gặp mặt định kỳ tháng 5 vừa qua cho thấy, trong số 8 nhiệm vụ UBND tỉnh giao các sở, ngành trả lời đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp từ cuộc gặp mặt tháng 1 thì sau 4 tháng mới 3 nhiệm vụ có văn bản trả lời (!). Ðó là những kiến nghị đề xuất đã được ghi biên bản, đưa vào thông báo của UBND tỉnh còn xử lý chậm trễ. Ngay tại cuộc gặp mặt tháng 5, các doanh nghiệp đã kiến nghị tỉnh nhiều nội dung tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội thời hậu Covid-19. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, tiếp cận vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ chậm nộp và gia hạn nộp thuế… Ðồng thời, những kiến nghị trước đây chưa được giải quyết đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo xem xét, tháo gỡ. Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã nhóm thành 4 nhiệm vụ, gồm: đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách tín dụng, an sinh xã hội và miễn giảm các khoản nộp ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở đó, tỉnh giao từng sở, ngành tham mưu giải quyết các nội dung kiến nghị theo chức năng, nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Rõ ràng, để tạo sức sống mới cho các hoạt động kinh tế thời hậu Covid-19, những đề xuất, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp cần được cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết, xử lý nhanh hơn, kịp thời và trách nhiệm hơn nữa. Hơn hết, độ trễ giữa chính sách và thực thi cần được rút ngắn, đảm bảo tính nhân văn, hiệu quả các chính sách Ðảng, Nhà nước đã ban hành.

Thời hậu Covid-19, cả nước đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Chúng ta đã bước đầu thành công trong kiểm soát dịch cũng cần mang bài học thành công đó vào công cuộc phục hồi nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để tạo ra những bứt phá mới trong kinh tế, cần kiên quyết, kiên trì chống loại “vi-rút” trong thực thi chủ trương, chính sách, mà các biểu hiện cụ thể là sự ỷ lại, trông chờ, thụ động, đổ lỗi cho nhau, các thủ tục hành dân, hành doanh nghiệp, nạn đòi hỏi “bôi trơn”, nói không đi đôi với làm… Và với Ðiện Biên, việc giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh thời hậu Covid-19. Ðể làm được điều đó, cần có liều thuốc đặc trị “vi-rút trì trệ”; cơ quan, đơn vị nào cố tình chây ì, không tham mưu giải quyết nhiệm vụ phải có hình thức xử lý thích đáng.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top