Đề xuất giữ nguyên 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND

10:24 - Thứ Tư, 10/06/2020 Lượt xem: 6282 In bài viết

Chiều 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tại phiên thảo luận thứ hai tại kỳ họp này đối với dự án luật nói trên, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; đồng thời cho ý kiến về các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội…

Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình).

Các đại biểu: Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định)... cho rằng, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND đều có nhiệm vụ, chức năng riêng; nếu không đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để sáp nhập 3 văn phòng thì nên giữ nguyên như luật hiện hành.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) nêu ý kiến, công tác tham mưu là tiêu chí đầu tiên để đánh giá hoạt động của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, cần làm rõ vị trí của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội so với văn phòng HĐND và văn phòng UBND. Theo đại biểu, việc thí điểm tại 11 địa phương cho thấy, việc sáp nhập không đáp ứng yêu cầu, do đó, cần giữ nguyên cơ cấu tổ chức của 3 văn phòng như cũ.

Về đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) và đa số đại biểu cho rằng, đề xuất này phù hợp với mục tiêu đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy vai trò của Quốc hội trong mọi lĩnh vực, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).

Cho rằng tên một số ủy ban của Quốc hội còn dài, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) nêu ý tưởng đổi tên “Ủy ban Về các vấn đề xã hội” thành “Ủy ban Y tế và an sinh”, bởi thực tế, hầu hết hoạt động của ủy ban này đều liên quan đến nội dung y tế và an sinh xã hội. Đại biểu cũng cho rằng, thời gian có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nên bắt đầu từ năm 2021.

Sau khi cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là dự án luật được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Do đó, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top